Khai trương trang tin điện tử hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động

Thông tin về Bộ luật Lao động năm 2019 gồm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các ấn phẩm, tài liệu tham khảo sẽ được cung cấp đầy đủ trên một trang thông tin điện tử.
Khai trương trang tin điện tử hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động ảnh 1Trang thông tin hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 4/1 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chính thức khai trương trang thông tin điện tử Bộ luật Lao động năm 2019 tại địa chỉ truy cập: http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn.

Trang thông tin Bộ luật Lao động năm 2019 do Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Thông tin thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Tại đây, người truy cập sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ và chính thống về Bộ luật Lao động năm 2019, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật; các thông tin, ấn phẩm, tài liệu tham khảo khác liên quan nhằm tạo điều kiện để người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ hơn về các quy định, những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019.

[Bộ Luật Lao động mới giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình]

Trang thông tin điện tử còn là nơi để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật.

Bộ luật Lao động được ban hành lần đầu tiên ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995. Sau 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ luật Lao động năm 2019 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2019 với 17 chương, 220 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Bộ luật Lao động năm 2019 được xây dựng không chỉ tạo lập khung khổ pháp lý mới, hiện đại nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ thông qua đối thoại, thương lượng tập thể... mà còn còn giúp các doanh nghiệp hội nhập, tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bảo vệ và hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, lợi ích chung của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục