Khám xét các văn phòng của Hải quân và xưởng đóng tàu ARA San Juan

Một thẩm phán Argentina đã ra lệnh khám xét các văn phòng của Hải quân nước này và xưởng đóng tàu Tandanor, nơi tàu ngầm ARA San Juan mất tích được bảo dưỡng.
Khám xét các văn phòng của Hải quân và xưởng đóng tàu ARA San Juan ảnh 1Tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina, ngày 2/6/2014. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tiếp tục mở rộng cuộc điều tra liên quan tới việc tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina mất tích trên Đại Tây Dương cách đây 35 ngày, ngày 20/12, một thẩm phán Argentina đã ra lệnh khám xét các văn phòng của Hải quân nước này và xưởng đóng tàu Tandanor, nơi tàu mất tích được bảo dưỡng.

Theo các nguồn tin tòa án, Thẩm phán Sergio Torres chỉ thị tiến hành các vụ khám xét, lục soát trên để tìm kiếm các tài liệu có thể cho thấy những bất thường trong công tác bảo dưỡng tàu ARA San Juan.

Liên quan tới công tác điều tra, cùng ngày, Hạ viện Argentina đã bỏ phiếu thông qua đề xuất thành lập một ủy ban có trách nhiệm giám sát, thúc đẩy quá trình điều tra và phải có báo cáo cuối cùng trong vòng 1 năm tới.

Cụ thể, ủy ban này được quyền yêu cầu các quan chức chính phủ và giới chuyên gia cung cấp tài liệu, cũng như các đánh giá, phân tích về vụ việc.

Hiện đề xuất này đã được trình lên Thượng viện xem xét phê chuẩn.

[Vụ tàu ngầm Argentina mất tích: Tư lệnh Hải quân bị sa thải]

Trong khi đó, trước sức ép từ thân nhân các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm ARA San Juan, Thẩm phán Marta Yanez cũng đang phụ trách một cuộc điều tra khác nhằm vào "những sai phạm có thể xảy ra" trong vụ việc.

Các điều tra viên tập trung làm rõ liệu công tác bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm ARA San Juan trong giai đoạn 2007-2014 có đáp ứng các quy định về an toàn và vật liệu hay không.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), khoảng 3 giờ sau khi tàu ARA San Juan báo cáo thông tin lần cuối với đài chỉ huy, một vụ nổ lớn đã xảy ra chỉ cách địa điểm tàu liên lạc khoảng 27 km. Vụ nổ này được cho là có thể liên quan tới việc tàu mất tích.

Hôm 28/11, phía Hải quân Argentina cho rằng, nếu đúng là tàu đã nổ thì nguyên nhân là do khí hydro tích tụ sau sự cố chập ắc quy.

Tàu ARA San Juan rời cảng Ushuaia, cực Nam Argentina, ngày 13/11 vừa qua để thực hiện hành trình về căn cứ tại thành phố Mar del Plata, cách thủ đô Buenos Aires 400 km về phía Nam.

Hai ngày sau đó, tàu đã phát tín hiệu lần cuối tại vịnh San Jorge, cách bờ biển Argentina 432km, thông báo về việc nước biển tràn hệ thống thông hơi trong lúc biển động mạnh, dẫn tới sự cố đoản mạch ở một ắc quy và gây cháy.

Tuy nhiên, thủy thủ đoàn thông báo đã khống chế được vụ việc và tiếp tục hành trình. Kể từ đó, tàu ARA San Juan với 44 thủy thủ đã mất tích.

Ngày 5/12, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad khẳng định tất cả các thủy thủ đã thiệt mạng.

Hiện các nỗ lực của Argentina và quốc tế nhằm tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan vẫn chưa đem lại kết quả. Khu vực tìm kiếm tàu ngầm này hiện nay trải rộng tới 40.000 km2, có độ sâu từ 200m tới 1.000m ở Nam Đại Tây Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.