Sáng 30/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.
Tham dự Hội nghị có gần 400 đại biểu đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, các cơ quan nghiên cứu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động lập pháp ở nước ta.
Sự ra đời của hai đạo Luật này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xây dựng pháp luật; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động xây dựng pháp luật, góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nền nếp.
Hai đạo luật này góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; bước đầu khắc phục tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phức tạp, quá nhiều loại văn bản, gây khó khăn khi theo dõi, xác định thứ bậc hiệu lực của các loại văn bản.
Từ khi có hiệu lực đến nay, hai đạo luật này đã chứng tỏ vị trí, vai trò quan trọng trong việc tạo thể chế để triển khai hoạt động xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, từ 1/1/2009 đến 31/3/2013, các cơ quan nhà nước ở trung ương đã ban hành là trên 5.200 văn bản, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao, nội dung cơ bản bảo đảm hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đa phần bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc tổng kết thi hành hai đạo Luật trên sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng Luật mới trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hợp nhất hai Luật.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những thành quả lớn đã được trong thời gian qua của hai đạo Luật này, như đ ã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng pháp luật theo hướng minh bạch, dân chủ, huy động sự tham gia của cả xã hội vào quá trình xây dựng văn bản; giảm bớt một số loại, hình thức văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương; đã và đang từng bước lồng ghép thành công hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính vào từng giai đoạn của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các ngành, các cấp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại của hệ thống pháp luật hiện nay. Đó là hệ thống pháp luật và cách thức xây dựng, thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính cụ thể, chưa phù hợp, thiếu khả thi, tính dự báo chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu tính thống nhất, chưa minh bạch , Luật “khung”, Luật “ống” còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện của lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương về vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chưa dành đủ nguồn lực về con người, thời gian và kinh phí cho công tác này; chưa có cơ chế bảo đảm sự tham gia, giám sát của người dân và xã hội đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật .
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thể chế vẫn là một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước . Một trong những điều kiện cần thiết, quan trọng để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế là cần tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế và quy trình xây dựng pháp luật phù hợp với sự phát triển năng động của kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, cụ thể, khả thi, hợp lý, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tăng cường tính công khai, minh bạch của pháp luật; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; kiên quyết khắc phục mặt yếu của hệ thống pháp luật hiện hành là rườm rà, chồng chéo, mâu thu ẫ n, thiếu tính tổng thể, bị động, lúng túng trước yêu cầu của thực tiễn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật ; t ập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Các cấp, các ngành khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi), nhất là các quy định liên quan đến nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; cần nghiên cứu để cụ thể hóa, xác định rõ thẩm quyền về hình thức và nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mỗi cơ quan, mỗi cấp chính quyền, bảo đảm cơ chế phân công và kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong quy trình lập pháp, lập quy.
Phó Thủ tướng chỉ rõ cần phát huy vai trò của hoạch định chính sách trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải là công cụ pháp lý bảo đảm cho quy trình đề xuất, xây dựng, trình và thông qua chính sách trở thành khâu trung tâm của toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật, trước hết là các luật, pháp lệnh, các nghị định của Chính phủ. Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước phải được luật hóa thành các quy định cụ thể, phù hợp, khả thi, phản ánh hơi thở cuộc sống.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất. Việc ban hành văn bản cần được gắn kết với các hoạt động kiểm tra, theo dõi việc thi hành, kiểm soát thủ tục hành chính và đánh giá tác động kinh tế - xã hội.
Các cấp, các ngành cần chú trọng củng cố, kiện toàn các cơ quan, đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật, tăng cường năng lực đội ngũ công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp hóa; cần có chiến lược thu hút, sử dụng và phát huy đội ngũ những người làm công tác xây dựng pháp luật chuyên nghiệp và chuyên trách, bao gồm những chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách trong các lĩnh vực và các chuyên gia soạn thảo văn bản để có thể chuyển tải đầy đủ, chính xác nội dung chính sách, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hữu hiệu để mọi người dân, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản, có thể tham gia đóng góp ý kiến để pháp luật phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm cho pháp luật thật sự là của dân, do dân, vì dân. Bộ Tư pháp cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, giúp Chính phủ bảo đảm tổ chức thi hành có hiệu quả các luật, pháp lệnh, thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật./.