Ngày 30/3, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình xác nhận vừa ra kháng nghị theo trình tự phúc thẩm lên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng về việc sửa đổi tội danh và hình phạt đối với bản án hình sự sơ thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên ngày 13/2 vừa qua đối với 14 bị cáo trong vụ cướp gỗ sưa từng gây chấn động dư luận tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào năm 2012.
Theo ông Phạm Hữu Võ, Trưởng phòng Kiểm sát án Kinh tế và Chức vụ (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình), bản án hình sự sơ thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên đối 14 bị cáo phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” là không đúng với tội danh; việc áp dụng hình phạt tù giam 7-9 năm cho các bị cáo là quá thấp. Điều này là không tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để sửa đổi tội danh từ “cưỡng đoạt tài sản” sang tội “cướp tài sản” với hình phạt tăng thêm đối với 14 bị cáo trong vụ án trên.
Vụ cướp gỗ sưa gây xôn xao dư luận trên do 14 bị cáo gồm Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1970, trú ở xã Xuân Trạch); Hồ Văn Phương (sinh năm 1987), Mai Hữu Sỹ (sinh năm 1981), Nguyễn Ngọc Hoàn (sinh năm 1969), Hoàng Văn Thành (sinh năm 1983) cùng trú ở xã Sơn Trạch; Phan Văn Cảm (sinh năm 1974), Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1977) cùng trú ở xã Đại Trạch; Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1977), Lê Ngọc Lâm (sinh năm 1986) cùng trú ở xã Sơn Lộc; Lê Anh Vũ (sinh năm 1985), Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1980) trú ở xã Phúc Trạch; Nguyễn Văn Cương (sinh năm 1982, trú ở xã Hưng Trạch); Hồ Xuân Thiện (sinh năm 1980, trú ở xã Vạn Trạch) và Lê Bá Quyết (sinh năm 1977, trú ở xã Lý Trạch) gây ra.
Theo cáo trạng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình mô tả vụ “cướp gỗ sưa,” vào khoảng cuối tháng 4/2012, Phạm Văn Thắng (ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cùng một số đối tượng khác đã khai thác trái phép ba cây gỗ sưa ở khu vực Hung Trí (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) rồi được chia một số gỗ. Sau đó, Thắng đã thuê Phạm Văn Toàn vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Toàn sau đó đã thuê 22 người vận chuyển bảy gùi gỗ sưa có trọng lượng hơn 350kg ra khỏi rừng.
Khoảng 12 giờ, ngày 2/5/2012, trong khi Toàn và Thống đi trước để dò đường đến địa phận khu vực Hung Roi (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) thì gặp Nguyễn Văn Hiệu và Hồ Văn Phương và bị hai người này dùng dao khống chế để truy hỏi về gỗ sưa. Sau đó, Phương đã dùng dây dù trói hai tay anh Toàn về phía trước. Lúc này những người gùi gỗ sưa lần lượt từ trong rừng đi ra thì bị Nguyễn Văn Hiệu và đồng bọn chặn đường lấy hết số gỗ này.
Sau đó, Nguyễn Văn Hiệu đã bán số gỗ nói trên cho Phạm Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) với giá 4 tỷ đồng. Số tiền bán gỗ được Hiệu chia cho các đối tượng còn lại và chi trả cho những người được nhóm Hiệu thuê gùi gỗ.
Vụ việc này sau đó được cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện và khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 6/6/2012.
Vào ngày 13/2, sau bốn ngày xét xử, phiên tòa hình sự sơ thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ “cướp gỗ sưa” tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào năm 2012 bằng hình thức thay đổi tội danh từ "cướp tài sản” sang “cưỡng đoạt tài sản” theo Điểm a, Khoản 4, Điều 135, Bộ luật Hình sự với lý do thiếu cơ sở để buộc tội “cướp tài sản."
Hình phạt đưa ra áp dụng đối với Nguyễn Văn Hiệu là 9 năm tù giam; Hồ Văn Phương là 8 năm 6 tháng tù giam; các bị cáo Phan Văn Cảm, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Ngọc Hoàn mỗi bị cáo là 8 năm tù giam; các bị cáo Nguyễn Văn Cương, Hồ Xuân Thiện, Mai Hữu Sỹ, Lê Ngọc Lâm, Nguyễn Xuân Quý, Lê Anh Vũ, Lê Bá Quyết, Nguyễn Văn Tiến, Hoàng Văn Thành mỗi bị cáo là 7 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình buộc các bị cáo nói trên phải nộp lại toàn bộ số tiền 4 tỷ đồng chiếm đoạt trái phép để sung công quỹ Nhà nước./.