Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một "địa chỉ đỏ," làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Đại biểu cắt băng khánh thành công trình. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Đại biểu cắt băng khánh thành công trình. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Sáng 9/8, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành "những viên gạch quý" bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích. Công trình được khánh thành hôm nay thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam.

ttxvn_nguyen_thi_thanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại lễ khánh thành. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cùng với rất nhiều di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận, Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một "địa chỉ đỏ" trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là "thủ đô kháng chiến," làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Sau sự kiện có tính chất mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) này, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh truyền thống vẻ vang, thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng.

Đồng thời cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc, bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại."

Cũng tại buổi lễ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay, cả nước đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sỹ. Năm 1949, chúng ta có khoảng 10 tờ báo với 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình và trên 40.000 người làm báo...

ttxvn_le_quoc_minh.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại lễ khánh thành. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, ông Lê Quốc Minh đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, Ban Quản lý di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa. Từ đó hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền bối, trải nghiệm văn hóa và khám phá vẻ đẹp của "Thủ đô gió ngàn"...

Sau 7 tháng triển khai xây dựng, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hoàn thành gồm các hạng mục chính. Đó là Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Ngôi nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ về báo chí kháng chiến Việt Bắc giai đoạn 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng theo ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến. Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; Hội trường trong lòng đồi có thể phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa khoảng 150 người; Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2...

Nhân dịp này, Ban tổ chức tặng quà cho gia đình chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tân Thái. Trước đó, các đại biểu đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.