Khi làng lên phố: Giữ gìn bản sắc làng ven đô trước sức ép đô thị hóa

Khi được chuyển đổi từ làng lên phố, các làng bị cuốn vào sự phát triển theo hướng hiện đại hóa và nhiều hệ lụy đã xảy ra, nhiều yếu tố của làng cũ chưa thích ứng kịp, tạo sự ngổn ngang trong làng.

Một góc Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một góc Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các làng ven đô Hà Nội chịu tác động không nhỏ, kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Bộ mặt nông thôn thay đổi, cấu trúc truyền thống bị phá vỡ, giá trị văn hóa phai nhạt, môi trường xuống cấp…

Dù đó là xu thế tất yếu nhưng việc quản lý quá trình thay đổi để thích ứng với cái mới nhưng vẫn giữ được bản sắc cũ đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng của Hà Nội.

Sức nén của làng lên phố

Những cái tên Kim Liên, Thanh Lương, Ngọc Hà, Nhân Chính, Yên Hòa… ngày nay được biết đến là phường nội đô với dân cư đông đúc, buôn bán sôi động, nhà cửa khang trang nhưng trước kia là những tên làng ven đô của Hà Nội.

Trải qua nhiều thập kỷ, những làng ven đô này hội nhập với đô thị một cách tự nhiên, trở thành phố phường, xóa nhòa ranh giới giữa làng và phố.

Gần 30 năm nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh, hàng loạt huyện ngoại thành Hà Nội được chuyển đổi lên quận, từ Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, đến Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.

Sắp tới, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng (giai đoạn 2021-2025) và Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh (giai đoạn 2026-2030) tiếp tục lên quận. Cùng với đó, hàng trăm ngôi làng được chuyển đổi thành phường, thành các tổ dân phố của nội đô.

Thực tế, trước khi đô thị hóa thì tại các làng ven đô cũng đã xảy ra tình trạng đô thị hóa tự phát, khi những khu nhà trọ, những "chung cư mini" mọc lên nhanh chóng phục vụ người nhập cư, ruộng vườn bán cho người dân nơi khác tới. Đến khi được chuyển đổi từ làng lên phố, các làng càng bị cuốn vào sự phát triển theo hướng hiện đại hóa và nhiều hệ lụy xảy ra, nhiều yếu tố của làng cũ chưa thích ứng kịp, tạo sự ngổn ngang trong làng.

Người người chỉ quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà thấp tầng biến thành nhà cao tầng, đường giao thông mở rộng, đất đai lên giá mà chưa chú trọng đến các yếu tố khác. Tất cả ruộng vườn trong thời gian ngắn đã trở thành bất động sản có giá trị, người trong làng co cụm lại vừa mất ruộng, mất việc làm, cấu trúc làng xã, văn hóa trong họ, ngoài làng bị thay đổi, hạ tầng thoát nước bị san lấp…

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, thuộc Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng khu vực ven đô khi bị tác động bởi đô thị hóa đã tạo ra không ít bất cập về hạ tầng, xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường văn hóa.

Trước sự phát triển tự phát đó, không có một nghiên cứu hay một chính sách nào hướng dẫn người dân hạn chế hay tìm cách giảm thiểu những tiêu cực mà để mặc phát triển tự phát. Cuối cùng, khu vực làng ven đô lại trở thành những không gian có sức nén lớn hơn cả khu đô thị cũ cũng như khu đô thị mới. Do vậy, những làng ven đô thực sự bị "tổn thương" trong suốt thời gian qua.

Những làng ven đô hay còn lại phần rìa nội đô vốn là vùng đảm bảo như một "cái van" an toàn cho việc phát triển đô thị thì nay trở thành một nơi không còn an toàn nữa.

Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng những khu dân cư mới và các đô thị sẽ tiếp tục được xây dựng nên trên nền đất ruộng, bên cạnh những ngôi làng mà không gắn kết cả về không gian và cảnh quan. Những di sản tùy theo mức độ thích ứng với bối cảnh mới sẽ biến mất hoặc tiếp tục tồn tại xen kẽ bên trong không gian làng và đô thị mới. Hình thái của chúng sẽ biến đổi theo nhu cầu của dân làng và áp lực đô thị.

Cân bằng để thích ứng

Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa cao nên các làng ven đô sớm trở thành phố phường là điều không tránh khỏi. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá mở rộng, nếp sống hiện đại hơn nhưng kéo theo những hệ lụy khác. Vì vậy, việc tìm lời giải để cân bằng giữa cuộc sống hiện đại với việc giữ gìn bản sắc cũ đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý và chính cộng đồng dân cư.

Trong quá trình đô thị hóa, các làng ven đô được phân ra nhiều mô hình khác nhau. Đầu tiên, các làng phát triển mạnh về nông nghiệp có tính đặc thù được xác định không được đô thị hóa.

Thứ hai, làng có yếu tố đô thị hóa phát triển theo hướng đô thị, làng tiếp cận vùng đô thị trung tâm và các mô hình đô thị lớn đang phát triển theo hướng dịch vụ thương mại và du lịch.

Thứ ba, làng trong tương lai đô thị hóa, đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phục vụ theo đô thị.

Thứ tư, làng nằm trong vùng đô thị nhưng có đặc thù, có yếu tố truyền thống nghề thì họ tiếp tục phát triển. Việc phát triển bốn mô hình làng này đặt ra thách thức lớn cho Hà Nội và cần có chính sách đặc thù riêng.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong các quy hoạch cũng xác định phạm vi nghiên cứu đến 30 đơn vị hành chính của Hà Nội, phân loại khu vực lên thành phố thuộc Hà Nội, khu vực lên quận, khu vực tiếp tục ổn định nông nghiệp. Trên cơ sở phân loại, sẽ có chính sách, mô hình thích hợp để xác định chức năng, ngành nghề, phương thức áp dụng trong giai đoạn tới.

ttxvn-huyen-gia-lam-1907.jpg
Một góc Gia Lâm, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Theo tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, trên cơ sở phân loại sẽ lựa chọn mô hình thích hợp. Ví dụ, vùng nông nghiệp ổn định cần xem đặc tính của làng để xây dựng mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển nông nghiệp du lịch. Làng có làng nghề thì cần đổi mới để tạo ra sản phẩm đặc thù mang tính hội nhập, phục vụ cho hậu cần đô thị. Tùy theo vị thế từng làng xã gắn với đô thị một cách lâu dài, sẽ có những chính sách hợp lý để phát triển.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước làn sóng đô thị hóa và những tác động tiêu cực đến những làng ven đô, nếu nhận thức tốt thì đó là những phần có giá trị trong một bảo tàng nhân sinh, một vùng đệm an toàn trong việc phát triển quá mức của thành phố, sẽ có những đối sách mềm dẻo và thận trọng. Hà Nội hiện có rất nhiều làng ven đô, thay vì quyết định nhanh gọn đưa làng thành các khu đô thị thì cần bình tĩnh và thận trọng để tìm ra phương thức phát triển hợp lý.

Cũng theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, những ngôi làng ven đô có giá trị vô cùng lớn. Thay vì bêtông hóa toàn bộ khu vực này, cần coi đó là đơn vị tự chủ sinh thái để chính làng đó phát triển và giúp những khu dân cư dày đặc khác có vùng đệm để giảm bớt áp lực về dân số, môi trường, cảnh quan.

Thành phố cũng cần coi các làng ven đô là bảo tàng nhân sinh, nơi định cư lâu đời của cộng đồng cư dân và nơi chứa những truyền thống, văn hóa lịch sử bền vững để bổ trợ giá trị của đô thị trong quá trình đô thị hóa.

Trong thời gian tới, hai quy hoạch của Hà Nội sẽ hoàn thành và được triển khai trong thực tiễn. Khi các huyện ngoại thành chuyển thành quận, tốc độ đô thị hóa càng diễn ra nhanh chóng để đảm bảo mục tiêu phát triển thành phố. Khi đó, việc quan tâm phát triển khu vực ven đô rất cần sự thận trọng, khoa học, vừa thích ứng với hiện đại, vừa giữ gìn được bản sắc cũ, để Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.