Khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Joe Biden

Trong những tuần gần đây, nếu chú ý quan sát và cảm nhận hơi thở chính trị từ Berlin, người ta dễ dàng nhận thấy một hy vọng mới tràn ngập về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Joe Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 25/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng dw.de, nhiều người ở Đức - quốc gia đồng minh thân cận của nước Mỹ - đang mong chờ những thay đổi lớn trong mối quan hệ Mỹ-Đức trong nhiệm kỳ của vị tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Liệu điều đó có thực tế không?

Trong những tuần gần đây, nếu chú ý quan sát và cảm nhận hơi thở chính trị từ Berlin, người ta dễ dàng nhận thấy một hy vọng mới tràn ngập về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Từ khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020 được công bố với thất bại của đương kim Tổng thống Donald Trump, dường như cây cầu bắc qua Đại Tây Dương sẽ được nối nhịp trở lại và cánh cửa hợp tác đa phương lại được mở ra.

Tuy nhiên, theo người phụ trách điều phối các mối quan hệ của Đức với Mỹ Peter Beyer, các cơ hội dường như không phải hoàn toàn không có giới hạn, nhất là từ góc độ Mỹ.

Ông nói: "Các vấn đề tồn tại giữa hai bên sẽ không tự động biến mất. Nhưng chúng ta đang có một cơ hội rất tốt, giờ đây chúng ta có thể thảo luận thẳng thắn với nhau với sự tôn trọng và mang tính xây dựng, cũng như đàm phán theo hướng tìm ra các giải pháp."

Thomas Kleine-Brockhoff, Giám đốc Viện nghiên cứu German Marshall Fund (GMF) ở Mỹ, đã đánh giá quan điểm trên của chính trị gia Đức Peter Beyer: "Một người dân tộc chủ nghĩa đã được thay thế bằng một người theo chủ nghĩa quốc tế."

Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể quay ngược thời gian trở lại. Theo chuyên gia Kleine-Brockhoff, những "lỗ hổng về niềm tin từng được tạo ra không thể được lấp đầy chỉ bằng câu nói đơn giản 'Chúng tôi đã trở lại'."

Trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có rất nhiều thứ cần phải khôi phục và xây dựng lại. Joe Biden đã thông báo rằng ông sẽ đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cũng muốn đất nước của mình trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thậm chí, ông sẽ hủy bỏ lệnh rút quân Mỹ đang đồn trú tại Đức mà ông Donald Trump đã công bố hồi năm ngoái. Đối với người châu Âu, vấn đề thương mại cũng đặc biệt quan trọng và cần được thảo luận lại. Hiện tại Mỹ và EU chiếm tới hơn 30% GDP toàn cầu. 

Các mức thuế trừng phạt phải bị loại bỏ 

Chuyên gia Peter Beyer tin rằng thay vì lời nói, các hành động thực tế sẽ có thể lấp đầy trở lại những lỗ hổng niềm tin bấy lâu nay. Vì nếu quan sát kỹ, có thể thấy rằng ở Berlin không chỉ có niềm hy vọng, mà còn là thái độ kỳ vọng lớn.

Ông nói: "Người châu Âu nên tập hợp một loạt các chủ đề có liên quan đến kinh tế, trong đó có việc yêu cầu Mỹ cần phải loại bỏ các mức thuế trừng phạt."

Theo Peter Beyer, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ châu Âu đã ảnh hưởng nặng nề đến Đức và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm qua. Và sự yếu đuối là hoàn toàn sai lầm, cần phải có "một hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương rộng rãi, thứ sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của chúng ta trong tương lai."

[Ông Joe Biden - Cơ hội để hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương]

Chuyên gia Kleine-Brockhoff thì tỏ ra thận trọng hơn và cũng đồng quan điểm rằng một thỏa thuận thương mại rộng lớn mới sẽ gửi đi một tín hiệu quan trọng cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng tình hình chính trị thực tế tại Mỹ cho thấy điều đó sẽ rất khó đạt được.

Ông nói: "Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực về việc không nên thiết lập thỏa thuận thương mại tự do, đặc biệt là từ phe cánh tả trong đảng Dân chủ của ông và các liên đoàn lao động. Họ mong đợi từ chính quyền của ông Biden một chính sách kinh tế không nhất thiết phải thiên về thương mại tự do. Và người ta không nên gây sức ép quá đáng với người đàn ông mà anh ta không thể cung cấp bất cứ điều gì."

Ở Đức cũng vậy, một phiên bản mới của hiệp định thương mại lớn như Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang phản tác dụng. Theo các cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington và Quỹ Körber, phần lớn người Đức có thiên hướng không coi Mỹ là đối tác khi nói đến việc bảo vệ nền thương mại tự do quốc tế.

Các diễn đàn nhỏ hơn có thể trở thành một giải pháp thay thế trong những năm tới để định hình các tiêu chuẩn chung. "Hội đồng Công nghệ và Thương mại Chung" do EU đề xuất hồi tháng 12/2020 là một ví dụ. 

Tranh cãi về dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2

Các vấn đề khác sẽ vẫn tồn tại ngay cả dưới thời Tổng thống Joe Biden. Một dự án làm cho Quốc hội Mỹ cảm thấy khó chịu đó là dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức.

Vừa qua, Quốc hội Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án này. Trong trường hợp này, theo chuyên gia Peter Beyer, "cuộc thảo luận tại Mỹ là hoàn toàn thừa, vì chúng ta đang nói về đường ống thứ hai trong một hệ thống đường ống dẫn khí đang hoạt động."

Khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Joe Biden ảnh 2Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông nói thêm, có nhiều vấn đề xuyên Đại Tây Dương cấp bách hơn, "chẳng hạn như thương mại, an ninh, số hóa và y tế, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch."

Nhưng chuyên gia Kleine-Brockhoff lại nhìn nhận hoàn toàn khác. Dòng chảy phương Bắc 2 là "một đánh giá sai lầm chiến lược lớn của Đức". Nó không chỉ gây tổn hại cho mối quan hệ Đức-Mỹ, mà còn gây tổn hại đặc biệt cho mối quan hệ của Đức với các nước Đông Âu - những đồng minh quan trọng của Đức tại châu Âu. 

Tách rời hay liên kết chặt chẽ

Với chủ đề Trung Quốc, dường như những điểm chung giữa hai bên rất ít. Đối phó với sự trỗi dậy của cường quốc mới nổi này sẽ là bài kiểm tra khó khăn cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong những năm tới. Rõ ràng đối với người Mỹ, một sự "tách rời" hoàn toàn khỏi Trung Quốc phải được thực hiện.

Trong khi đó, mặc dù coi Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" nhưng Liên minh châu Âu (EU) mà đặc biệt là Đức không thể chấm dứt quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thậm chí giá trị xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc năm 2020 đã tăng 14% so với năm 2019.

Chuyên gia Kleine-Brockhoff cho rằng phải tìm ra một chính sách chung với Trung Quốc. Theo ông, có thể kết hợp giữa việc vừa hợp tác vừa đặt ra các ranh giới với Trung Quốc.

Mỹ và châu Âu có thể thỏa thuận với nhau theo hướng: người Mỹ từ bỏ "tư tưởng tách rời" hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trong khi người châu Âu cần coi trọng hơn các mối quan ngại của Mỹ về an ninh và công nghệ khi hợp tác với Trung Quốc, chẳng hạn như khi nói đến việc xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G.

Việc cải tổ Tổ chức Thương mại hế giới (WTO) được mong đợi từ lâu cũng sẽ là một điểm tựa để đưa Trung Quốc vào dòng chảy chung trong các vấn đề thương mại.

Trong những tuần qua ở Berlin, sự nỗ lực vì các điểm chung trên cơ sở thấu hiểu rằng Mỹ cần châu Âu và ngược lại, đang truyền cảm hứng cho những người ủng hộ quan điểm xuyên Đại Tây Dương. Cả hai chuyên gia Peter Beyer và Kleine-Brockhoff đều nhất trí rằng nỗ lực này cần phải mang tính phi đảng phái, cả ở Đức cũng như ở Mỹ.

Trong 4 năm tới, Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra những lời đề nghị mới với đảng Cộng hòa. Trên thực tế, tổng thống Biden có ít thời gian, vào năm tới sẽ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Đến lúc đó sẽ rõ có bao nhiêu dự định thực sự có thể thực hiện được trong nhiệm kỳ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.