'Khối lượng công việc của Ban Công tác đại biểu là rất lớn'

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Ban Công tác đại biểu tổng hợp kết quả hội nghị hiệp thương lần 3 của các tỉnh, thành và có báo cáo sớm với Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 19/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết theo Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 7 nhiệm vụ chính.

Cụ thể gồm: tham mưu, phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; công tác đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; công tác về chế độ, chính sách đối với cán bộ và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác nhân sự; công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao; hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân; công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử. Hiện nay, so với Nghị quyết số 575, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã thu hẹp hơn.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu nêu một số đề nghị cụ thể; trong đó đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV; tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội để tiếp tục xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế.

Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị nên cân nhắc giao cho một cơ quan làm đầu mối tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức bộ máy và nhân sự của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để rõ trách nhiệm; nghiên cứu cải tiến một bước chế độ quản lý nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách và hồ sơ nhân sự đại biểu Quốc hội nói chung; tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ban Công tác đại biểu phù hợp với phương án nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV ở Trung ương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

[Bầu cử Quốc hội: Đảm bảo số lượng, chất lượng nữ đại biểu dân cử]

Để tạo nguồn nhân sự có chất lượng và không bị động, Ban Công tác đại biểu đề nghị khi xây dựng phương án nhân sự và tiến hành quy trình giới thiệu ứng cử đối với các chức danh đại biểu Quốc hội, cần có chính sách thu hút được một tỷ lệ nhất định những chuyên gia giỏi, có uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả công tác của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua.

Nhấn mạnh đến khối lượng công việc lớn về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn về những nhiệm vụ trong công tác này.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ Ban Công tác đại biểu, nhất là sự đóng góp vào thành công của công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau cuộc họp này, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Công tác đại biểu dự thảo kết luận cuộc làm việc, báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội xem xét kỹ trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký ban hành.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ công việc trước mắt là công tác chuẩn bị bầu cử, Ban Công tác đại biểu tổng hợp kết quả hội nghị hiệp thương lần 3 của các tỉnh, thành và có báo cáo sớm với Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Sau cuộc bầu cử, Ban Công tác đại biểu tiếp tục thực hiện các công việc như công nhận tư cách đại biểu, thẻ, chuẩn bị cho tổng kết công tác bầu cử, công tác chuẩn bị nhân sự tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; kế hoạch chương trình tập huấn, bồi dưỡng những người trúng cử; phối hợp cùng Đảng đoàn Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sắp xếp những trường hợp không tái cử nhưng còn tuổi công tác; tham mưu đề xuất bố trí đại biểu Quốc hội vào các chức danh hoạt động chuyên trách...

Nhất trí với đề xuất của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát để có thể có dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế làm việc của Ban, để đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có thể ban hành. Ban Công tác đại biểu cần rà soát kỹ, lấy ý kiến theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Công tác đại biểu cần có đề án về nâng cao năng lực công tác, trong đó chia ra nhiều đề án thành phần. Do đó, Ban Công tác đại biểu cần xây dựng đề án ngay từ bây giờ. Sau này Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập hợp lại.

Về những kiến nghị cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Công tác đại biểu tập hợp lại báo cáo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phụ trách để giải quyết từng việc theo đúng trình tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục