"Không có bằng chứng Mỹ hỗ trợ hoạt động biểu tình ở Hong Kong"

Tiến sĩ Willy Lam, giáo sư lịch sử và kinh tế chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kongnói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ về vật chất cho người biểu tình
"Không có bằng chứng Mỹ hỗ trợ hoạt động biểu tình ở Hong Kong" ảnh 1Người biểu tình Hong Kong rất có ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh: Tiến Trung/Vietnam+)

Hãng tin Nga RIA dẫn lời tiến sĩ Willy Lam, giáo sư lịch sử và kinh tế chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong cho biết nhà chức trách Trung Quốc tin rằng Mỹ đang cố tìm cách khuấy động một cuộc cách mạng màu ở Đặc khu hành chính này.


Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Radio VR, ông Lam nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ về vật chất cho người biểu tình.  

Hồi tháng Tám năm nay, Bắc Kinh thông báo rằng sẽ thẩm tra những người muốn chạy đua vào vị trí trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017. Sự kiện đã châm ngòi cho biểu tình lan rộng.

Willy Lam chỉ ra rằng công chúng rõ ràng muốn "có tiếng nói lớn hơn trong tương lai của họ", bao gồm cách thức tổ chức bầu cử trưởng đặc khu. Ông đánh giá nếu quyết định của Bắc Kinh không thay đổi, những gì diễn ra sẽ không phải là một cuộc bầu cử thực sự.

“Dù phần lớn những người ở Hong Kong vẫn được xem như "những động vật kinh tế", chỉ quan tâm tới kinh tế, họ vẫn cảm thấy rằng mình xứng đáng được hưởng mức độ tự trị cao hơn, điều đã được cam kết khi Hong Kong được trao trả lại Trung Quốc" - ông Lam nói.

Sau khi trở lại với Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, Hong Kong được quản lý dưới chính sách "một nhà nước, hai chế độ". 

Đặc khu hành chính có 7 triệu dân này được hưởng quyền tự trị rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, ngoại trừ đối ngoại và quân sự.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo Trung Quốc  đang bị vướng vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ không muốn bị coi như những kẻ yếu ớt, khi hoạt động biểu tình tiếp diễn.

“Mặt khác, nếu Bắc Kinh cân nhắc việc sử dụng đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đóng ở Hong Kong, họ sẽ đối mặt với nguy cơ gây khủng hoảng quốc tế. Sẽ có những chỉ trích gay gắt từ các nước khác đổ tới" - ông Willy Lam cảnh báo.

Hiện có khoảng 6.000 binh sĩ Trung Quốc đang đóng quân tại Đơn vị đồn trú Hong Kong thuộc Quân đội giải phóng Trung Quốc.

Tuy nhiên ông Lam không tin Hong Kong sẽ dùng vũ lực để giải tán người biểu tình. Ông nói rằng chính quyền dưới thời trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã thu được nhiều bài học từ việc dùng vũ lực. 

Trong ngày 28/9, cảnh sát Hong Kong được lệnh dùng 87 viên đạn hơi cay để giải tán người biểu tình. "Tuy nhiên quyết định này đã gây phản tác dụng, bởi việc dùng bạo lực thực tế đã khuyến khích thêm nhiều người Hong Kong bình thường tham gia phong trào biểu tình" - ông nói. 

Theo ông Lam, hoạt động tuần hành và ngồi biểu tình tại chỗ ở Hong Kong hiện vẫn rất hòa bình. Một số người tham gia biểu tình thậm chí còn tham gia dọn dẹp rác rưởi quanh nơi họ đi qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.