Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai: “Lá phổi” xanh ở Đông Nam Bộ

Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai với giá trị đa dạng sinh học cao, có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam và rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Rừng Nam Cát Tiên. (Nguồn: quehuongonline.vn)

Được ví là “lá phổi xanh” giữa miền Ðông Nam Bộ với thiên nhiên hùng vỹ và thơ mộng, Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn du khách.

Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thứ 580 của thế giới vào ngày 29/6/2011.

Với tổng diện tích 969.993ha, Khu Dự trữ Sinh quyển  Đồng Nai được hình thành trên cơ sở mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Cát Tiên cũ (công nhận ngày 10/11/2001).

Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, trong đó 80% diện tích bảo tồn nằm ở tỉnh Đồng Nai.

Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai gắn liền với những địa danh như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An-Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu.

Những giá trị nổi bật

Với giá trị đa dạng sinh học cao, Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai là mái nhà chung của hơn 1.400 loài thực vật, là môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá… với 1.781 loài.

Tại đây còn có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như voi châu Á, bò tót, gấu chó…, đặc biệt là loài tê giác một sừng và các loài cây quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương…

Trước đây, khu vực này còn là căn cứ cách mạng, có các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh…

Ngoài ra, vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng với hơn 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, góp phần tạo nên những nét độc đáo không thể lẫn được với bất kỳ vùng đất nào khác.

Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai còn ẩn chứa các giá trị văn hóa như di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 với bộ Lynga-Yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á và còn nhiều điều bí ẩn đầy thách thức đối với các nhà khoa học.

[Khám phá nét đa dạng sinh học của Khu Dự trữ Sinh quyển Kon Hà Nừng]

Ở đây, gần như các phong tục tập quán từ bao đời nay vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay như một nét đẹp đặc trưng. Đây là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích - một mô hình phát triển bền vững hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người, các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học.

Chính vì thế mà nơi đây còn được gọi là “phòng thí nghiệm ngoài trời” rất lý tưởng để tiến hành các nghiên cứu khoa học, cũng như đưa ra những đề xuất mới về bảo tồn và phát triển.

Thiên nhiên đã rất ưu ái khi ban tặng cho vùng đất này những món quà vô cùng quý giá như hệ đất ngập nước Bàu Sấu, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An, những khu rừng nguyên sinh với không biết bao nhiêu hệ thực vật quý hiếm… Tất cả đều góp phần tạo nên một màu sắc vô cùng riêng biệt và hấp dẫn du khách.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Nằm trong Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên mang những nét đặc sắc hấp dẫn du khách và các nhà khoa học trong khám phá những bí ẩn của thiên nhiên.

Hồ Đăk Lô trong xanh thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên trong Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Đồng Nai. (Nguồn: baolamdong.vn)

Đến đây, du khách có cơ hội khám phá những con đường mòn thú vị xuyên rừng, ngắm những nhánh hoa rừng hương sắc quyến rũ, tìm thấy vô số loài cây thuốc quý và các cây đại thụ hiếm có…

Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là nơi cư ngụ của hàng trăm loài động vật hoang dã quý hiếm, với nhiều cái tên nằm trong Sách đỏ như tê giác một sừng, cóc mắt chân dài, trăn gấm, trăn đen… Đây còn là thiên đường của hơn 350 loài chim và có trạm cứu hộ gấu.

Vườn Quốc gia Cát Tiên có nhiều kiểu địa hình xen kẽ các bàu, đầm, các hệ suối, cộng với hơn 90km chiều dài sông Đồng Nai đã tạo nên những cảnh quan đặc trưng với những ghềnh thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước.

Đặc biệt là khu vực Bàu Sấu, được Công ước Ramsar quốc tế - UNESCO công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1499 của thế giới.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai là một địa chỉ du lịch mới chứa đựng nhiều tiềm năng và rất gần các đô thị lớn trong khu vực. Khu Bảo tồn có các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, rừng tự nhiên và các hồ nước lớn, nổi bật là hồ Trị An; công viên đá với diện tích 160ha, có nhiều tảng đá lộ thiên xen lẫn cây rừng, tạo thành một quần thể đá tự nhiên với nhiều hình thù lạ mắt hấp dẫn.

Du khách tham quan Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, nếu may mắn sẽ được chiêm ngưỡng những loài thú, động vật hoang dã đi ăn vào ban ngày như cheo cheo nam dương, sóc, gà lôi hông tía, gà rừng, chích chòe lửa…

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu là khu vực có nhiều tiềm năng, được coi là hạt nhân phát triển du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đến đây, du khách không chỉ được đi xuyên rừng, tận mắt chứng kiến nhiều cây gỗ đại thụ, nhiều loài dây leo thân gỗ, quan sát được nhiều loài chim thú quý hiếm mà còn được chiêm ngưỡng Bàu Sấu có khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh, không khí trong lành, yên tĩnh.

Bàu Sấu là sinh cảnh tuyệt vời của loài cá sấu xiêm, các loài động thực vật thủy sinh, các loài cá nước ngọt, các loài chim có đời sống quan hệ mật thiết với nước, đặc biệt là các loài chim đang bị đe dọa của Việt Nam cũng như của thế giới như ngan cánh trắng, quắm cánh xanh, chim già đẩy java…

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu còn có tác dụng điều tiết nguồn nước cho Hồ thuỷ điện Trị An, giữ các chất lắng đọng, chất độc và cung cấp nguồn nước cho hơn 15 triệu người dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản dọc lưu vực sông Đồng Nai.

Hồ Trị An nằm trên sông Đồng Nai có vẻ đẹp hoang sơ luôn thu hút du khách khi đến nơi này. Cũng như các hồ nhân tạo khác ở Việt Nam, Hồ Trị An được hình thành trong quá trình xây đập ngăn dòng chảy để làm thủy điện (năm 1984).

Với diện tích mặt hồ 323km2, Trị An được xem là hồ nước lớn nhất Việt Nam kể cả tự nhiên hay nhân tạo. Với hơn 70 đảo lớn, nhỏ, từ lâu Trị An đã trở thành điểm du lịch dã ngoại đầy hấp dẫn đối với du khách.

Chiến khu D với những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam Bộ cũng là địa điểm tham quan rất thú vị cho chuyến đi của du khách.

Tọa lạc tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, một căn cứ cách mạng quan trọng của Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu D được tôn tạo nằm sâu trong rừng, được bảo vệ nghiêm, xung quanh là những tán lá rừng nhiệt đới. Căn cứ là nơi chỉ huy của phong trào cách mạng miền Nam, từ vĩ tuyến 17 đổ vào mũi Cà Mau.

Với hơn 13 dân tộc anh em sinh sống trong Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, tham quan nơi đây, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm các phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, được hòa nhịp theo tiếng cồng chiêng rồi nhảy múa bên ánh lửa bập bùng và thưởng thức các món ăn làm từ sản vật địa phương như củ mài, bánh dầy, cơm lam, thịt nướng, rau rừng và rượu cần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục