Khu vực Bắc Bộ chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm

Từ chiều tối 5/2 đến đêm 6/2, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa từ 30-60mm/ngày, có nơi trên 70mm/ngày, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Người dân bản Phìn Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường (Lai Châu) quây bạt chống rét cho gia súc trong mùa Đông. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Ngày 5/2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 69/VPTT  gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và rét hại

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối 5/2 đến đêm 6/2, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa từ 30-60mm/ngày, có nơi trên 70mm/ngày, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ.

Vùng núi, trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ phổ biến 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.

[Tháng 2, Bắc Bộ Trung Bộ tiếp tục có nhiều ngày rét đậm, rét hại]

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai các biện pháp ứng phó rét đậm, rét hại theo nội dung Công văn số 51/VPTT ngày 22/1 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với thiên tai trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, trong đó tập trung vào việc rà soát nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Các địa phương thông tin kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân về tình hình thiên tai, thời tiết; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình  hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục