“Khu vực kinh tế Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn là động lực tăng trưởng mà thay vào đó là khu vực kinh tế tư nhân.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Aus4Reform đề cập nội dung trên tại Hội thảo "Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng," trong khuôn khổ Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform), do CIEM tổ chức, ngày 30/10.
Kinh tế tư nhân trở nên có “sức sống”
Đánh giá của vị chuyên gia đầu ngành này được dựa trên các con số “biết nói.” Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng của năm đạt mức tăng 10,3% so với cùng kỳ của năm 2018. Điểm nổi bật, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất và đạt 45,3% trong tổng vốn đầu tư đồng thời cũng có tốc độ tăng vốn cao nhất là 16,9%.
[Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân]
Bên cạnh đó, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà tăng trưởng với số vốn thực hiện cao nhất qua các năm trở lại đây, cụ thể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tương ứng các năm 2015-2019, lần lượt là 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 14,2 tỷ USD.
Trong khi vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lại chưa được cải thiện và có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019, lần lượt là 8,1%; 13,1%; 6,6%; 11,4% và 4,8%.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dương-Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM, cho rằng khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang trở nên có sức sống hơn trong nền kinh tế với tỷ trọng vốn đầu tư tăng nhanh nhất đồng thời tạo động lực cho đầu tư toàn xã hội.
Tâm lý hứng khởi kinh doanh được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp mới thành lập, cụ thể qua 10 tháng của năm, số đơn vị đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên tới 149.000 doanh nghiệp, tăng đến 8,6% so với cùng kỳ của năm 2018.
“Trong bối cảnh mới đầy thách thức, khu vực doanh nghiệp nội địa trở nên có sức sống hơn với sự sáng tạo, linh hoạt để thích nghi và tăng trưởng,” ông Dương nhìn nhận.
Vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh
Phân tích kỹ hơn về cơ cấu vốn và hiệu quả kinh doanh trong khu vực FDI trong 10 tháng, ông Cung cho rằng mặc dù các dự án FDI tiếp tục tăng 25,9% về số dự án song lại giảm 14,6% số vốn đăng ký mới.
“Số lượng vốn đăng ký mới giảm đồng nghĩa với quy mô dự án giảm,” do đó ông Cung lưu ý cần nhìn nhận lại chất lượng các dự án mới so sánh với thời gian trước cũng như cách thức đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Một điểm đáng lo ngại nữa cũng được ông Cung đề cập, đó là giá trị vốn đăng ký bổ sung từ những dự án FDI trước đó cũng có xu hướng chậm lại và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp lại “nóng lên” với mức tăng mạnh, tới 70,5% so với cùng kỳ.
Song vị chuyên gia này cũng cho rằng cẩn phải cẩn trọng trước việc dòng vốn gián tiếp chảy vào quá ồ ạt.
Trong xu thế hội nhập, ông Dương cho rằng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mang đến những tác động tích cực, tạo động lực thúc đẩy, cải cách môi trường đầu tư-kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại quốc tế đang làm gia tăng sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trên toàn cầu và Việt Nam được đánh giá là một điểm đến tương đối hấp dẫn.
Song, theo ông Dương, nếu không kịp thời và sàng lọc tốt, các dự án FDI mới khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng. Và, nếu không phân biệt đối tác, không cụ thể hóa tiêu chí sẽ gặp phải những dự án ‘núp bóng,’ gây hệ lụy cho môi trường và xã hội.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Cung kỳ vọng xu hướng đầu tư FDI nêu trên sẽ được đảo ngược trong thời gian tới với Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 “về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”
Bởi Nghị quyết 52 đã đưa ra yêu cầu các ban, bộ, ngành, từ trung ương đến các địa phương chủ động phối hợp, tháo gỡ khó khăn theo hướng bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước và hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài.
Về dự báo kinh tế vĩ mô, vị đại diện của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 7,02% trong năm 2019 và sau đó điều chỉnh xuống còn 6,72% vào năm 2020, theo đó lạm phát bình quân năm 2019 là 2,78% và năm 2020 là 3,17%./.
Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình trị giá 6,5 triệu AUD và kéo dài trong thời gian 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2021). |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung trao đổi với báo chí.