Khủng hoảng kênh đào Suez và cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông

Lưu lượng giao thông của kênh đào Suez và hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này ngày càng tăng sẽ khiến cho tình hình thêm phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh các nước tăng sức mạnh hải quân.
Một tàu hàng di chuyển qua kênh đào Suez, Ai Cập ngày 30/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc), sự cố siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, mà còn khiến cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower không thể đến Vịnh Ba Tư (Vịnh Arab hay Vịnh Persian) theo kế hoạch, gây rối loạn cho việc triển khai lực lượng của quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Điều này một lần nữa làm nổi bật ý nghĩa chiến lược địa chính trị của kênh đào.

Vai trò địa chính trị của kênh đào Suez

Trong chiến tranh Saudi Arabia-Israel lần thứ hai vào giữa thế kỷ XX do tranh giành quyền kiểm soát kênh đào, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower đã thực hiện kỹ năng ngoại giao cân bằng để hóa giải thách thức đến từ các nước đồng minh và đối thủ cạnh tranh, giải quyết hòa bình khủng hoảng kênh đào và giúp Mỹ trỗi dậy trở thành lực lượng bên ngoài có tính quyết định nhất ở khu vực Trung Đông.

Sau khi ông Joe Biden lên làm tổng thống, trong bối cảnh quan hệ mong manh giữa Mỹ và Ai Cập, trọng tâm chính sách ngoại giao và an ninh của Mỹ chuyển sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tập trung cao độ vào Trung Quốc và Nga.

Đọ sức nước lớn dự kiến sẽ có cục diện ngày càng gay gắt từ vấn đề kênh đào cho đến khu vực Trung Đông?

Siêu tàu Ever Given vô tình bị mắc kẹt ở kênh đào Suez 6 ngày 6 đêm mới được "giải thoát", khiến cho hàng trăm tàu bị dồn ứ ở hạ và thượng du của kênh đào đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm cho mọi người đánh giá lại ý nghĩa chiến lược địa chính trị của kênh đào này.

[Chuyên gia khuyến cáo Ai Cập nhanh chóng nâng cấp kênh đào Suez]

Sự kiện lần này không những khiến cho nền kinh tế Mỹ và châu Âu vốn đã ảm đạm do dịch bệnh trở nên mịt mờ hơn, mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai chiến lược, bố trí lực lượng của Mỹ ở khu vực Trung Đông, do nhóm tác chiến tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Dwight D. Eisenhower muốn đến Vịnh Ba Tư bị mắc kẹt ở Địa Trung Hải, không thể đi qua kênh đào Suez để tiến vào Hồng Hải, sau đó xuyên qua eo biển Hormuz tiến vào Vịnh Ba Tư theo kế hoạch.

Một mặt, việc tàu USS Dwight D. Eisenhower không thể thực hiện vai trò răn đe, cũng khiến cho Mỹ nhất thời rơi vào tình cảnh lúng túng khó xử khi không có một tàu sân bay có thể thực thi nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Trung Đông.

Mặt khác, Iran đã ký hiệp ước hợp tác 25 năm với Trung Quốc vào cuối tháng Ba, nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác toàn diện. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng Nga đã quyết định xây dựng căn cứ tiếp tế nước ngoài ở gần vùng biển Sudan.

Sudan và Ai Cập tiếp giáp nhau, gần Hồng Hải, rõ ràng huyết mạch giao thông trên biển này là nhân tố không thể đứng ngoài trong cuộc đọ sức giữa các nước lớn. Điều này cũng đặt ra mối đe dọa mới đối với hoạt động vận tải biển qua kênh đào Suez.

Tầm quan trọng của kênh đào Suez được thể hiện rõ nét trong chiến tranh Saudi Arabia-Israel lần thứ hai xảy ra vào năm 1958. Mặc dù xung đột diễn ra ở Ai Cập, nhưng lại là sự kiện điển hình của một cuộc cạnh tranh nước lớn.

Khi đó, Anh, Pháp phối hợp với Israel để tranh giành quyền kiểm soát kênh đào Suez nên đã phát động chiến tranh xâm lược đối với Ai Cập.

Mỹ đã phát huy vai trò cân bằng vô cùng quan trọng trong suốt cuộc khủng hoảng, Tổng thống đương nhiệm Dwight D. Eisenhower áp dụng chính sách giải quyết khủng hoảng bằng phương thức hòa bình, đóng góp quan trọng cho việc chấm dứt xung đột, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.

65 năm sau, tàu sân bay được đặt tên để tưởng nhớ Dwight D. Eisenhower lại gặp một cuộc khủng hoảng kênh đào khác, và đây có thể nói là một sự trùng hợp lịch sử.

Sau khi sự cố siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, truyền thông thế giới đã có những bình luận hết sức đáng chú ý. Theo đó, tờ Wirtschaftswoche của Đức đã nhắc lại lịch sử và nhấn mạnh "mặc dù thời đại đã thay đổi, nhưng tầm quan trọng của kênh đào vẫn còn nguyên giá trị."

Bloomberg cho rằng vị trí "yết hầu" vận tải đường biển của kênh đào Suez rất dễ bị tấn công trong xung đột quốc tế, một khi bị phong tỏa hoặc cắt đứt sẽ gây tê liệt kinh tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, một cuộc khủng hoảng kẹt tàu ở kênh đào có thể khiến mọi người nếm trải mùi vị của cái gọi là "Chiến tranh Lạnh mới."

Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ nhấn mạnh một nguyên nhân khác khiến kênh đào Suez quan trọng đối với Mỹ chính là nó kết nối chặt chẽ Mỹ và Ai Cập.

Tờ The New York Times lại cho rằng khi Mỹ tìm kiếm lợi ích an ninh quốc gia ở khu vực Trung Đông, Ai Cập sẽ cung cấp một số hỗ trợ mà thế giới bên ngoài rất khó nhìn thấy, đơn cử là tàu chiến của Mỹ có thể được ưu tiên đi qua kênh đào Suez khi gặp khủng hoảng. Nếu không có sự hợp tác của Ai Cập, nhiệm vụ quân sự của quận đội Mỹ sẽ bị trì hoãn.

Cuộc khủng hoảng kênh đào năm 1956

Cuộc khủng hoảng kênh đào năm 1956 khởi nguồn từ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc và được Chiến tranh Lạnh tiếp sức. Vào thời điểm đó toàn thế giới bị bao trùm bởi bóng đen tranh chấp quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô, đế quốc Anh không muốn đánh mất vị trí thống trị, tìm cách hình thành thế chân vạc với Mỹ và Liên Xô nên đã gây ra cuộc khủng hoảng.

Tháng 7/1956, Tổng thống Ai Cập lúc đó là Naser Hussein tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào, Anh, Pháp và Israel quyết định sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Liên minh ba nước là một dạng kết hợp lợi ích: Xuất phát điểm của Israel là không hài lòng với việc Ai Cập không cho Israel sử dụng kênh đào; Pháp lo ngại sự trỗi dậy của cựu Tổng thống Naser Hussein sẽ kích động phong trào khởi nghĩa dân tộc của Algeria; Anh muốn nhân cơ hội để khôi phục địa vị thống trị, lấy lại ánh hào quang đế quốc một thời.

Ba nước bí mật lên kế hoạch hành động, ngày 29/10/1958 quân đội Israel phát động cuộc tấn công chiếm đóng bán đảo Sinai, sau đó Anh và Pháp sử dụng chiêu bài hòa giải, yêu cầu Ai Cập và Israel lần lượt rút khỏi khu vực kênh đào Suez, tiếp đó liên quân Anh và Pháp đưa quân vào đóng ở phạm vi 10km hai bờ kênh đào để kiểm soát kênh đào Suez.

Khi đó, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lập tức gọi điện cho Thủ tướng Anh Anthony Eden hối thúc rút quân, nhưng bị từ chối.

Trước tình thế này, ông Dwight D. Eisenhower quyết định "rút củi đáy nồi". Về mặt kinh tế, Chính phủ Mỹ cố tình bán tháo đồng bảng Anh dẫn đến giá trị đồng bảng Anh lao dốc 15%, đồng thời ngăn chặn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Anh vay nợ và ngưng cung cấp viện trợ kinh tế cho Anh.

Về mặt ngoại giao, Mỹ đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc yêu cầu Anh và Pháp ngay lập tức rút quân, sau khi bị Anh và Pháp phản đối đã triệu tập hội nghị khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính thức thông qua nghị quyết yêu cầu Anh, Pháp và Israel chấm dứt cuộc chiến và rút quân khỏi Ai Cập.

Bên cạnh đó, để buộc lực lượng quân sự Anh và Pháp rút khỏi khu vực kênh đào, Mỹ còn ra lệnh cho quân đội trên toàn cầu đặt trong tình trạng báo động nhằm uy hiếp Anh và Pháp.

Ngoài ra, đối thủ cạnh tranh của Mỹ và Liên Xô tuyên bố nếu Anh và Pháp không ngừng bắn sẽ thực hiện tấn công hạt nhân đối với hai nước này. Đầu tháng 11/1958, Anh, Pháp và Israel sau cùng phải rút quân trước sức ép ngày càng lớn.

Sau khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào, chủ trương dùng vũ lực để giải quyết của Anh và Pháp nhận được sự ủng hộ của Israel, nhưng đối thủ Chiến tranh Lạnh của Mỹ là Liên Xô chủ trương giải quyết bằng phương thức hòa bình và đứng ra làm trung gian hòa giải ngoại giao, đây là một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.

Kết cục của khủng hoảng kênh đào Suez đã chứng minh thuyết phục rằng trong quan hệ quốc tế sức mạnh quốc gia bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích quốc gia quyết định lập trường ngoại giao.

Mặc dù cả Mỹ lẫn Liên Xô đều chủ trương giải quyết khủng hoảng bằng phương thức hòa bình, nhưng đây chỉ là một biện pháp để hai nước tăng cường sức ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.

Mục đích của hai nước đều là muốn nhân tiện khủng hoảng kênh đào để mở rộng sức ảnh hưởng của mình đối với Ai Cập, thậm chí Trung Đông. Lập trường của các nước đồng minh phương Tây về giải quyết khủng hoảng kênh đào Suez tồn tại bất đồng đã bị Liên Xô lợi dụng, nhanh chân lấp vào chỗ trống.

Cạnh tranh nước lớn sau cuộc khủng hoảng

Ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 gây nên rất sâu rộng, địa vị đế quốc hùng mạnh của Anh và Pháp trên toàn cầu giảm sút, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô trở thành lực lượng kiểm soát thực sự Trung Đông, thậm chí toàn thế giới.

Cuối năm 1960, Anh quyết định rút khỏi phía Đông kênh đào Suez, bao gồm rút 50.000 quân và đóng cửa căn cứ quân sự ở Singapore và Malaysia. Điều này khiến cho Trung Quốc mới thành lập non trẻ đối diện với thử thách nghiêm trọng.

11 năm sau, Ai Cập cùng Jordan và Syria ký hiệp định phòng thủ chung để ứng phó với kẻ thù chung. Israel ra tay trước để chiếm ưu thế, tháng 7/1967 phát động tấn công, khơi mào bùng nổ cuộc chiến tranh Saudi Arabia-Israel lần thứ ba, chỉ trong vòng 6 ngày quân đội Israel đã chiếm diện tích lớn của ba nước, bao gồm toàn bộ bán đảo Sinai, đồng thời tiến sâu về phía Đông kênh đào Suez, đối diện với Ai Cập ở bên kia bờ kênh.

Trước tình thế đó, Naser Hussein ra lệnh đóng kênh đào vô thời hạn, đồng thời đánh chìm tàu, đặt mìn và cho nổ tung các cây cầu trong đoạn kênh, phong tỏa toàn bộ hoạt động vận tải, mãi đến 8 năm sau mới mở lại.

Những năm gần đây, Mỹ vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với Ai Cập, và Ai Cập luôn là nước hưởng lợi thứ hai từ viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, mức viện trợ chỉ đứng sau Israel.

Tuy nhiên, Mỹ luôn có thái độ mơ hồ về tình hình biến động chính trị và sự đi chệch quỹ đạo của lãnh đạo Ai Cập, thậm chí đôi khi có thể nói là mất uy tín. Không ít học giả chỉ trích mặc dù Chính phủ Mỹ ủng hộ dân chủ, nhưng tiền đề là phải phù hợp với mục chiến lược và kinh tế của Mỹ.

Cho dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa làm chủ Nhà Trắng, các đời tổng thống trước đây của Mỹ một mặt muốn thể hiện thái độ ủng hộ đối với tiến trình dân chủ của Ai Cập, mặt khác lại muốn đảm bảo việc hợp tác kinh tế và quân sự với Ai Cập không bị ảnh hưởng.

Đây là mấu chốt đảm bảo lợi ích địa chính trị của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Những lợi ích này bao gồm Ai Cập ưu tiên cho tàu chiến của Mỹ sử dụng kênh đào Suez để đến Vịnh Ba Tư và cung cấp sự bảo vệ suốt dọc hành trình, cũng như sự hỗ trợ của Ai Cập trong việc chống khủng bố, đặc biệt là ở bán đảo Sinai. Ngoài ra, thị trường mua bán vũ khí của Ai Cập cũng mang lại lợi ích không nhỏ đối với Mỹ.

Đầu tháng 3/2021, Chính quyền của ông Joe Biden cam kết không tiếp tục ủng hộ liên quân của nhiều nước do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào tình hình nội chiến của Yemen, đồng thời ngừng bán vũ khí cho những nước này.

Theo đó, đơn đặt hàng mua vũ khí của Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, hãng truyền thông Al Jazeera đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán 168 tên lửa RIM-116 do công ty Raytheon sản xuất với tổng giá trị 197 triệu USD cho Ai Cập, với lý do "Ai Cập vẫn là đối tác chiến lược quan trọng ở Trung Đông." Một số nhà phân tích chỉ trích rằng đây là tiêu chuẩn kép.

Có một số phân tích cho rằng lợi ích kinh tế và chính trị ở Trung Đông hiện nay là do các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước Trung Đông, Nga và Mỹ chia làm bốn, việc lưu lượng giao thông của kênh đào Suez và hoạt động khai thác dầu khí của khu vực này ngày càng tăng sẽ khiến cho tình hình thêm phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh tăng cường sức mạnh hải quân đã trở thành trọng tâm phát triển của các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, cũng như Ai Cập.

Tuy nhiên, trọng điểm chính sách ngoại giao của ông Joe Biden chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập trung xây dựng mặt trận thống nhất đối phó với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công khai tuyên bố, so với thời kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, sự quan tâm của Mỹ đối với Trung Đông sẽ giảm xuống trong thời gian tới.

Nếu quả thực quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập xấu đi trong thời gian tới, bản đồ sức mạnh của Bắc Phi chắc chắn sẽ được sắp xếp lại. Điều này giúp Nga và Trung Quốc nắm lấy cơ hội để thế chân vào chỗ trống của Mỹ. Cuộc đọ sức nước lớn ở khu vực Trung Đông và kênh đào được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục