Khủng hoảng nhập cư: Áo không quay lưng với những người di cư

Người dân Áo đã dùng nhiều biện pháp, nhất là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để liên tiếp gây sức ép lên chính quyền yêu cầu tiếp nhận những người nhập cư.
Cuộc biểu tình 'Tiếng nói cho người tị nạn' tại Quảng trường Heldenplatz Wien đã thu hút khoảng 150.000 dân Áo. (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Yến/Vietnam+)

​"Người tị nạn cần phải được chăm sóc. Tôi không quay lưng lại với những người đang có mối lo lắng và sợ hãi, nhưng tôi quay lưng lại với những người đã trục lợi về kinh tế hoặc chính trị trên nỗi khổ của người tị nạn" - Tổng thống Áo Heinz Fischer đã phát biểu như vậy tại Quảng trường Heldenplatz Wien hôm 3/10.

Những người bạn di cư

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về người tị nạn từ các nước Bắc Phi và Trung Đông như Syria, Afghanistan, Iraq, Iran, Pakistan... tràn sang. Đây có thể coi là cuộc di dân lớn đối với "lục địa già" này, kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia về Trung Đông lại cho rằng, cuộc khủng hoảng về di dân thực sự không phải nằm ở châu Âu mà là ở các nước như Jordan, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu thống kê của CNN tính đến ngày 10/9, sau 4 năm nội chiến, riêng người Syria đã có 4,1 triệu người rời khỏi đất nước. Hơn nửa số người đó đã được Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận, số còn lại đã đến Jordan, Liban, Ai Cập...

Theo chuyên gia nghiên cứu Trung Đông - Tiến sỹ Phương Mai, chúng ta nhìn thấy là 3,8 triệu người tị nạn của Syria đang ở Liban và Jordan, trong khi đó chỉ có khoảng 400.000-500.000 người là tìm đường sang châu Âu mà thôi, đó là chưa kể là số người tị nạn Palestine đã từng ở Liban từ rất lâu rồi...

Điều này là hoàn toàn đúng, khi chúng ta phân tích dựa trên cơ sở số liệu (cái dễ dàng nhìn thấy), mà chưa phân tích ở góc độ khủng hoảng tiềm ẩn - dựa nền tảng đạo đức, văn hóa, giá trị nhân đạo và tâm lý dân tộc... mà người châu Âu khó có thể chấp nhận được việc chính phủ của họ sẽ không quan tâm đến người tị nạn, chứ đừng nói là đối xử thậm tệ với người tị nạn.

Trong khi việc này, lại có thể là bình thường đối với một số nước khác. Tiến sỹ Phương Mai cũng chia sẻ: "Hầu như những người tị nạn ở Liban và Jordan đều ở trong khu lán trại rất tồi tệ, không tìm được việc làm; trẻ em không được đến trường, nhiều người tị nạn đến Liban phải tự tỏa đi tìm cách sinh sống và kiếm tiền; hai triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất khó tìm việc, họ phải tự tìm cách để sinh nhai."

Chính vì thế, mặc dù chỉ có khoảng 500.000 người tị nạn đang tràn vào châu Âu và chủ yếu là lực lượng trẻ, có trình độ và thuộc tầng lớp trung lưu. Chục năm nữa, những người trẻ ấy có lẽ sẽ trở thành những nguyên thủ, nhà khoa học, đạo diễn, diễn viên, nhà văn, nhà kinh doanh... Họ sẽ "cứu vớt" tình trạng đang ngày một già cỗi của châu lục này, sẽ thúc đẩy nền kinh tế châu Âu phát triển, hay gồng gánh những công việc nặng nhọc cho người dân bản xứ.

Áo là một đất nước nhỏ bé, với diện tích 83.871km2, hơn 8 triệu dân nhưng năm 2014 đã nhận 28.000 người tị nạn, năm 2015 đã nhận 80.000 người tị nạn (có thể cao hơn nữa). Đây là nước nhận người tị nạn cao thứ hai trong khối Liên minh châu Âu.

Trong khi đó chính quyền và người dân chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị đối phó với tình trạng này, thì thử hỏi đó có phải là khủng hoảng hay không? Tuy nhiên, một bộ phận lớn trong chính quyền và người dân Áo, đang tìm mọi biện pháp để giúp đỡ và đón nhận người tị nạn. Họ coi người tị nạn là "những người bạn di cư cần phải được bảo vệ và che chở một cách vô điều kiện."

Điển hình là cuộc tuần hành và biểu tình lớn ngày 3/10 tại Quảng trường Heldenplatz Wien, với tên gọi: "Chào mừng người tị nạn. Chính sách nhân đạo cho người tị nạn" và "Tiếng nói cho người tị nạn". Sự kiện này đã thu hút khoảng 150.000 người tham dự, trong đó có sự tham gia của một số chính khách như Tổng thống Áo và đại diện các tổ chức từ thiện, các nghệ sỹ, diễn viên nổi tiếng...

Tại đây, Tổng thống Áo đã nói lời cảm ơn những người dân vì họ đã giúp đỡ người tị nạn và giúp nâng cao tinh thần nhân đạo của châu Âu: "Người tị nạn cần phải được chăm sóc. Tôi không quay lưng lại với những người đang có mối lo lắng và sợ hãi, nhưng tôi quay lưng lại với những người đã trục lợi về kinh tế hoặc chính trị trên nỗi khổ của người tị nạn. Tôi cảm ơn mọi người đã đến đây, đã giúp đỡ và sẽ giúp đỡ. Tôi tự hào về Vienna! Tôi tự hào về nước Áo!"

Tổng thống Áo Heinz Fischer gặp gỡ một số trẻ em đã chạy trốn khỏi Syria (Nguồn: HBF)

"Điểm huyệt" chính quyền

Sáng ngày 27/8, nước Áo chấn động bởi vụ việc 71 người di cư chết trong một chiếc xe tải đông lạnh, bị bỏ lại trên đường cao tốc A4 hướng Vienna. Theo cảnh sát Áo, thì các thi thể này đã bị chết cách đó khoảng hai ngày và đang bị phân hủy.

Đến ngày 29/8, cảnh sát Áo và Hungary đã phối hợp tìm ra 4 nghi phạm. Các nghi phạm này phải đối mặt với các tội danh buôn người, tra tấn và trục lợi. Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho rằng các nghi can này là những thành viên cấp thấp của các băng nhóm buôn người sang châu Âu.

Đó là xét trên phương diện tội phạm xã hội, còn tội phạm chính trị, ai là tác giả của kịch bản này? Ai đã tung "con át chủ bài" này vào đúng ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan tại Áo?

Đây là "đòn đánh chí mạng," điểm huyệt vào lòng nhân đạo của người dân Áo và châu Âu, khiến cho dân chúng và giới truyền thông Áo cảm thấy choáng váng. Nhiều người dân Áo đã nói rằng "thật kinh hoàng vì đây là vụ tử nạn tập thể lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay trên đất nước họ."

Cũng chính ngày 27/8, khi đang dự Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan, Tổng thống Áo đã bị sốc khi nhận được tin này. Ông đã thông báo với Hội nghị, mọi người đã dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân xấu số. Như vậy, cuộc Hội nghị đã bị "lái" sang vấn đề người tị nạn một cách mạnh mẽ.

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách an ninh và đối ngoại nói: "Chúng ta không thể ngồi đó mà nhìn họ chết. Họ phải được bảo vệ. Nếu chúng ta không muốn có tội phạm thì chúng ta phải hành động."

Từ ngày 31/8 đến ngày 3/10, Áo đã diễn ra ba cuộc biểu tình và tuần hành lớn, số lượng người tham dự gia tăng một cách chóng mặt từ 23.000 người đến khoảng 150.000 người, nhằm liên tiếp gây sức ép lên chính quyền.

Phần lớn họ đòi chính quyền phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp giúp đỡ người tị nạn và họ đòi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Mikl - Leitner phải từ chức ngay lập tức.

Tất cả các sự kiện đó, đã dồn dập đến với người dân Áo và châu Âu, khiến họ bị "sốc" nặng. Nhiều người dân Áo đã bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ vì chính phủ đã để người di cư phải ăn trực nằm chờ ở ngoài biên giới của chúng tôi."

Họ đã dùng nhiều biện pháp, nhất là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để liên tiếp gây sức ép lên chính quyền. Họ đòi chính phủ phải nhanh chóng tiếp nhận và giúp đỡ người tị nạn ổn định nơi ăn chỗ ở, vì mùa Đông đang đến gần.

Hàng ngày, dòng người tị nạn không ngớt đổ về ga trung tâm Hauptbahnhof ở Vienna. (Ảnh: Nguyễn Thị Bích Yến/Vietnam+)

Trước sức ép từ ba bề bốn bên, đêm ngày 5/9, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã phải ra quyết định mở của đón nhận những người tị nạn vào Áo.

Ông đã đưa ra thông báo ngay trên trang Facebook của mình: ``Vì tình trạng nghiêm trọng ở khu vực biên giới Áo-Hungary, ngày hôm nay Áo và Đức cùng chấp thuận cho người tị nạn vào lãnh thổ. Bên cạnh đó chúng tôi yêu cầu chính phủ Hungary phải chấp hành luật pháp của EU và hiệp ước Dublin. Đồng thời, chúng tôi đề nghị chính phủ Hungary phải sẵn sàng tham gia vào giải pháp phân chia người tị nạn và biện pháp khẩn cấp của Ủy ban châu Âu."

Như vậy, Thủ tướng Áo Werner Faymann và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bất chấp những bất đồng trong liên minh châu Âu để đưa ra quyết định khẩn cấp đó. Do vậy, mà dòng người tị nạn đã tràn vào như nước vỡ bờ, khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Để xử lý vấn đề đó, ngày 13/9 chính phủ Đức đã buộc phải quyết định đóng cửa biên giới với Áo, nên Áo cũng buộc phải đưa ra biện pháp đóng cửa một số đường cao tốc nối liền với Hungary vào sáng 14/9.

Tuy nhiên, việc đóng cửa của hai nước này là để kiểm soát tình hình nghiêm ngặt hơn chứ không phải là "cấm cửa" hoàn toàn đối với người tị nạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục