Trong điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá về tình hình Ukraine, và nhấn mạnh khủng hoảng tại đây chỉ có thể giải quyết trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối quyền lợi và ý nguyện của người dân mọi sắc tộc ở tất cả các vùng của nước này.
Trong khi đó, Nghị viện châu Âu (EP) đang yêu cầu EU phải áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga "trong thời gian sớm nhất."
Ngày 13/3, EP đã ra nghị quyết yêu cầu EU thực hiện bước thứ hai theo kế hoạch ba bước trừng phạt Nga đã được quyết định ngày 6/3, cụ thể là đình chỉ hoạt động thương mại và các cuộc đàm phán về tự do hóa thị thực; đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Nga nếu Moskva không chịu đàm phán trực tiếp với Kiev; và bước ba bao gồm những biện pháp “mạnh tay” hơn, đó là trừng phạt kinh tế.
Phản ứng trước động thái trên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma Quốc gia Nga (Hạ viện) Alexei Pushkov cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU đối với Nga sẽ mở nút cho các biện pháp trả đũa, và có thể dẫn đến một "sự đóng băng chưa từng có" đối với những cuộc tiếp xúc chính trị, thậm chí tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Còn theo báo New York Times (Mỹ), một loạt các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đang lo ngại sẽ mất vị trí tại thị trường Nga trong trường hợp Washington đơn phương áp đặt trừng phạt kinh tế và Moskva thi hành các biện pháp đáp trả.
Hiện kim ngạch thương mại hai chiều Nga-Mỹ hiện ở mức 40 tỷ USD/năm, song giới doanh nghiệp Mỹ cho rằng con số này chưa tính hết tất cả các mối quan hệ kinh tế-thương mai giữa hai nước.
Ví dụ hãng ôtô Ford có quan hệ thương mại và nhà máy tại Nga, trong khi tập đoàn chế tạo máy bay Boeing vừa công bố một loạt dự án mới quy mô lớn tại Nga. Hơn nữa, 35% titani (kim loại chủ chốt trong ngành hàng không vũ trụ) mà tập đoàn này nhập khẩu là từ Nga./.