Kiếm bộn tiền, shipper vẫn lo ngay ngáy trước bệnh dịch phức tạp

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, shipper và người mua hàng cần luôn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi nhận, giao hàng, giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên.
Các shipper tiếp xúc với rất nhiều người trong 1 ngày nên rất dễ gặp rủi ro. (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+)

Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, nhiều người đã lựa chọn hình thức mua sắm online để phòng, chống dịch bệnh. Do đó, dịch vụ chuyển phát hàng hóa cũng trở nên sôi động hơn.

Tuy thu nhập cao hơn nhưng nghề chuyển phát hàng hóa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Bởi vậy, cả người giao hàng (shipper) và người nhận hàng cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đơn hàng tăng cao

Trước tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến khi có thông báo mới của thành phố. Cụ thể, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người.

Cùng với quy định, việc lo ngại bệnh dịch đã khiến nhiều người dân thay đổi thói quen. Thay vì ra hàng quán để ăn uống họ chuyển sang đặt hàng online và shipper sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, bán hàng online rất thịnh hành và các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.

Chị Thùy Dương (quận Ba Đình-Hà Nội) - nhân viên ngân hàng cho biết: “Từ khi dịch COVID xuất hiện, tôi đã hạn chế thấp nhất việc ra đường và quyết định mua hàng online, sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà. Khi xuống lấy đồ tôi cũng luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với các shipper, sau khi nhận đồ sẽ xịt khuẩn gói hàng...”

[Đi chợ online - bạn đồng hành với người tiêu dùng thời công nghệ số]

Chị Phương Thảo - chủ một quán bún miến ngan cũng chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng cộng thêm dịch bệnh nguy hiểm khiến nhiều khách hàng lựa chọn gọi đồ ăn về nhà. Đơn hàng online đợt này tăng lên nhiều, shipper đến lấy hàng liên tục, khách đặt nhiều vào thời điểm trưa và tối. Cửa hàng luôn có từ 5 đến 6 nhân viên mà không chạy kịp việc vì đơn nhiều...”

Nhiều khách hàng đặt online đồng nghĩa công việc của các shipper cũng sẽ tăng theo. Theo lời một shipper, trung bình trước kia mỗi ngày chuyển phát 10-12 đơn hàng, nhưng trong thời điểm hiện tại, có những ngày đạt đến 18-25 đơn.

Theo anh, thu nhập của các shipper cộng tác với ứng dụng như Grab, Now hay là Beamin phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper. Như vậy mỗi đơn hàng giao thành công tài xế sẽ nhận được khoản thù lao khoảng 12.000-25.000 đồng, thậm chí có đơn còn được 50.000 đồng tùy khoảng cách. Những ngày này nếu chăm chỉ chạy chở khách và giao đồ, một tài xế có thể có thu nhập từ 600.000-800.000 đồng, cao cấp đôi bình thường.

Là một tài xế giao hàng của Best Express, anh Nguyễn Văn cho hay làm shipper toàn thời gian đến nay được 7 năm nhưng đây là quãng thời gian có nhiều đơn hàng nhất.

Khách và shipper cần giữ khoảng cách an toàn và luôn đeo khẩu trang khi giao, nhận hàng. (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+)

"Đơn hàng tăng đồng nghĩa với thu nhập của mình cũng tăng đáng kể nhưng đi theo đó là áp lực khi có ngày không giao hết hàng. Chạy xe thời điểm dịch này cộng với dưới trời nắng từ sáng đến 6-7 giờ tối khiến tôi và các anh em shipper đều oải, chưa kể thời gian đứng đợi chờ khách xuống lấy hàng. Khi tiếp xúc với khách hàng phải giữ khoảng cách an toàn, luôn đeo khẩu trang,” anh Văn nói.

Rủi ro luôn tiềm ẩn

Nhiều người bảo rằng shipper mùa dịch như “cá gặp nước.” Thế nhưng phía sau tay lái là vô vàn lo lắng, băn khoăn.

Anh Ban Văn Hiếu - shipper của Baemin cho hay: “Tôi là sinh viên ở lại Hà Nội đăng ký làm shipper kiếm thêm thu nhập. Mới làm được 1 tuần nhưng tôi thấy quá tải.”

Cũng bởi đặc thù là phải di chuyển, tiếp xúc với nhiều người nên nghề shipper tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm dịch. Công việc mỗi ngày giáp mặt hàng chục khách hàng nên nếu lơ đãng có thể rước bệnh cho mình và cộng đồng.

Anh Nguyễn Chí Cường - tài xế chạy xe công nghệ Gojek tại Hà Nội chia sẻ: “Dịch bệnh bùng phát, tôi vừa chạy xe công nghệ, vừa giao đồ ăn, một ngày chạy hết công suất cũng 20-25 chuyến cả ship đồ ăn lẫn chạy xe. Nhiều khách đợt mới bùng phát dịch vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang, tôi luôn mang theo mình từ 5-6 cái, sẵn sàng tặng khách nếu họ cần. Sức khỏe họ tốt, mình giao hàng cũng thấy yên tâm.”

Anh Trần Thanh Lâm, shipper của Grap thì chia sẻ thường mang theo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang thay liên tục, thậm chí đồ mặc bên ngoài 1 ngày cũng thay 2 bộ.

Cũng theo các tài xế, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, trên phía công ty cũng luôn nhắc nhở các tài xế, shipper cẩn thận, thực hiện các biện pháp chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng.

Điều khiến cánh shipper lo lắng không chỉ khi tiếp xúc với khách mà còn ngại về đếm tiền.

"Cứ mỗi lần lấy cầm tiền của khách hoặc đếm tiền trong thời điểm dịch, tôi lo ghê lắm. Đếm xong lại rửa tay, vẫn cứ thấp thỏm. Đa phần tài xế như chúng tôi mong muốn khách hàng có thể chuyển khoản, sử dụng ví điện tử, tránh đứng quá lâu trả lại tiền cho khách, luôn giữ khoảng cách an toàn, tôi nghĩ như vậy đã là bảo vệ chính tôi và khách hàng của mình,” anh Cường chia sẻ.

Đa số các shipper đều mong muốn khách hàng thanh toán qua hình thức online, chuyển khoản, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người khi mua sắm và đặt hàng online. Bên cạnh đó, các shipper cũng không lo sợ bị khách “bom” hàng.

Một lãnh đạo Hiệp hội bảo về người tiêu dùng cho rằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe, shipper và người mua hàng cần luôn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi nhận, giao hàng; giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên. Ngoài ra, người dân nên sử dụng các dịch vụ giao hàng có uy tín với quy trình kiểm soát chặt chẽ. Khi nhận hàng nên lau bề mặt gói hàng bằng cồn 70 độ hoặc các dung dịch sát khuẩn... để bảo đảm an toàn trong mùa dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục