Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 tổ chức ngày 13/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm những hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản, góp phần đưa ngành khai thác khoáng sản trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế đất nước.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm trên, trong năm nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 chưa được ban hành; tiếp tục xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm trong phân tích mẫu địa chất, khoáng sản rắn; định mức kinh tế kỹ thuật các công trình địa chất bổ sung; quy định kỹ thuật công tác điều tra đánh giá địa chất môi trường khoáng sản độc hại…
Năm 2013, nhờ tập trung cao độ cho công tác xây dựng văn bản pháp luật và các chính sách về khoáng sản, kết quả đã có hai nghị định, một quyết định và bảy thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản được ban hành.
Bên cạnh đó, Tổng cục còn hoàn thiện, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả khoanh định đợt I các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.
Hiện nay, Tổng cục đang khoanh định các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đợt II; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả “Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số loại khoáng sản quan trọng”, “Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.
Nhờ Tổng cục làm tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và giám sát việc quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản, các địa phương đã cơ bản thực hiện đúng các quy định của Luật Khoáng sản 2010, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về khoáng sản, nhờ đó tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản đã từng bước được hạn chế./.