Kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam: Vẫn nhiều thách thức

Mặc dù Việt Nam đã có rất nhiều những nỗ lực để kiểm soát thuốc lá nhưng đây vẫn đang là vấn đề rất nhức nhối và có nhiều thách thức.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra lô thuốc lá bị tạm giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù Việt Nam đã có rất nhiều những nỗ lực để kiểm soát thuốc lá nhưng đây vẫn đang là vấn đề rất nhức nhối và có nhiều thách thức.

Đó là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Hội nghị được Bộ Y tế tổ chức sáng nay, ngày 28/5, tại Hà Nội.

Việt Nam là nhân tố tích cực

Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá đưa ra 6 chính sách hiệu quả để làm giảm sử dụng thuốc lá. 

Các chính sách gồm: theo dõi việc sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng ngừa; bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; cảnh báo về tác hại của thuốc lá; tăng cường cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; tăng thuế thuốc lá.

Việt Nam phê chuẩn Công ước từ năm 2004 và có hiệu lực từ năm 2005.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Jeffery Joseph Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong 10 năm qua để thực hiện Công ước, đặc biệt là những chính sách pháp luật của Nhà nước và Chính phủ.

“Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị bệnh, mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới hơn một tỷ USD mỗi năm. Rất may là Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả có ý nghĩa ban đầu về kiểm soát thuốc lá,” ông Jeffery Joseph Kobza nói.

Tiêu biểu có thể kể đến như việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước năm 2004, phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước năm 2009. Năm 2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội khóa 13 phê chuẩn. Cũng trong năm 2013, Chính phủ phê duyệt Quyết định số 229/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.

Những chính sách của Công ước khung được tích cực triển khai như đưa ra 6 mẫu cảnh báo về sức khỏe bằng hình ảnh chiếm đến 50% diện tích trên các sản phẩm thuốc lá, cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng và trẻ dưới 18 tuổi… Việt Nam cũng là một trong khoảng 20 nước trên thế giới thành lập quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá. Hệ thống mạng lưới các đơn vị phòng chống tác hại của thuốc lá ngày càng lan rộng…

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, đại diện Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (HealthBridge Canada) tại Việt Nam, những kết quả Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất đáng khích lệ.

"Việc thông qua Luật phòng chống thuốc lá, in các hình ảnh cảnh báo trên vỏ bao thuốc, tăng thuế… cũng đã thể hiện sự nỗ lực lớn của Việt Nam vì để đạt được điều đó phải đấu tranh với ngành công nghiệp thuốc lá,” bà Hoàng Anh nhận định.

Điều này cũng được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận bằng việc trao huy chương Ngày Thế giới không thuốc lá cho Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến ngay trong sáng nay. 

“Có rất nhiều ứng viên được đề cử nhưng chúng tôi đã chọn giáo sư Kim Tiến. Dưới sự lãnh đạo của bà, Bộ Y tế đã không ngừng bảo vệ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá một cách mạnh mẽ, không bị suy yếu bởi ngành công nghiệp thuốc lá,” ông Jeffery Joseph Kobza nói.

Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng việc phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi. (Ảnh: TTXVN)

Vẫn nhiều thách thức

Ông Jeffery Joseph Kobza cho rằng, nếu thục hiện đầy đủ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và tăng thuế thuốc lá đến 100%, mỗi năm Việt Nam có thể cứu được 16.000 người khỏi tử vong do thuốc lá.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức để đạt kết quả này.

Mức thuế tiêu thụ thuốc lá hiện nay là 65% và tăng dần mỗi năm nhưng do thu nhập của người dân cũng tăng lên nên không giảm được sức mua.

Việc thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng chưa nghiêm túc.

Một nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng năm 2014 tại gần 1.200 điểm bán lẻ của 6 thành phố trên cả nước có 87,3% số điểm trưng bày quá một bao thuốc của một nhãn hiệu thuốc lá.

Có 20,9% điểm bán bao nhỏ dưới 20 điếu. Vẫn còn một số cách thức khuyến mại như mua nhiều giảm giá, tặng bật lửa, tặng diêm…

Nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết các điểm đều có dán dòng chữ “cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” nhưng kích thước rất nhỏ, dán biển ở chỗ khó quan sát và dán biển tạm bợ. 

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Thuốc lá nhập khẩu chủ yếu qua khu vực biên giới các tỉnh, đặc biệt là Long An, và tiêu thụ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, việc thực thi Luật đang là thách thức của Việt Nam khi người dân không có thói quen tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc. Người dân có biết tác hại của thuốc lá nhưng chưa hiểu sâu. Chỉ riêng việc hút thuốc lá ở nơi công cộng cũng đang là một vấn đề lớn.

“Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu về chính sách thuế để có hiệu quả hơn, tăng tính thực thi của pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền để thay dổi dần dần nhận thức của người dân,” bà Hoàng Anh nói.

Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá là công ước quốc tế đầu tiên về y tế công cộng. Bắt đầu đàm phán từ năm 2.000 với 6 vòng đàm phán, các thành viên đã thống nhất được các nội dung vào tháng 5/2003 và có hiệu lực từ tháng 2/2004. Công ước đã được 180 quốc gia phê chuẩn.

Công ước khung đặt mục tiêu giảm một nửa số người hút thuốc vào năm 2020, theo đó sẽ tránh được 150 triệu ca tử vong sớm do thuốc lá.

Việt Nam tham gia cả 6 vòng đàm phán và là một trong những được đầu tiên phê chuẩn Công ước khung vào năm 2004./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục