Theo trang mạng nationalinterest.org, không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền Trump đã có một chiến lược giải quyết những vấn đề kiểm soát vũ khí nguy hiểm nhất đang gây đau đầu cho nước Mỹ.
Từ Nga cho tới Triều Tiên và Iran, chiến lược là giống nhau: trừng phạt, mặc cả và ảo tưởng.
Chủ đề này đã được thảo luận trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị chính sách hạt nhân quốc tế 2019 do Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington tổ chức.
Tại hội nghị, những diễn giả chính bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí Andrea Thompson và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã tập trung thảo luận về các kế hoạch và đường lối của chính quyền Trump cho hai năm tới.
Khi đây là một hội nghị về chính sách hạt nhân, chắc chắc vấn đề kiểm soát vũ khí sẽ đè nặng lên tâm chí của các diễn giả.
Sự hoài nghi và lo lắng sẽ lớn hơn nhiều so với hai năm trước, chắc chắn là do sự thất bại của Tổng thống Trump khi không thể đảm bảo được một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội và việc ông rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran.
Cuộc thảo luận của Thompson về những nỗ lực kiểm soát vũ khí của chính quyền là có ảnh hưởng sâu rộng, nhưng chủ đề trọng tâm của nó tập trung vào lòng tin và cáo buộc.
Khi được Mark Fitzpatrick thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế đặt câu hỏi về triển vọng kéo dài Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga, bà nhấn mạnh rằng chính quyền đang tiếp tục tham vấn với các chuyên gia, nhưng lo ngại về độ tin cậy của Moskva ảnh hưởng đến tiến trình này.
“Việc [Nga vi phạm INF] đặt ra tiền lệ như thế nào cho các hiệp ước kiểm soát vũ khí trong tương lai?” bà đặt vấn đề.
Tuy nhiên, bà Thompson lại “say mê” phát biểu về việc bảo vệ người dân Mỹ trong khi không chú ý đề cập đến hiệu lực của các hiệp định kiểm soát vũ khí với Nga.
Tất nhiên, việc kiểm soát vũ khí sẽ có lợi cho an ninh Mỹ khi giúp nước này có trong tay các công cụ để hiểu và hạn chế các khả năng của nước khác, và vì thế có thể làm giảm căng thẳng.
Trái lại, việc Mỹ rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí sẽ giải phóng các nước khỏi các trách nhiệm và làm giảm các cơ chế trách nhiệm giải trình.
[Ông Pompeo: Mỹ hy vọng tiếp tục đàm phán hạt nhân với Triều Tiên]
Một cuộc thảo luận thú vị khác liên quan đến chính sách của chính quyền Trump đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Saudi Arabia.
Trong khi bà Thompson khẳng định rằng quan điểm của Mỹ sẽ luôn gắn chặt vào “tiêu chuẩn vàng,” bà lại nói lấp lửng về “quan điểm hoặc đòi hỏi” hiện nay của chính quyền Trump thay vì đề cập đến một thỏa thuận theo kiểu một Bản ghi nhớ hay thứ gì tương tự.
Tuy nhiên, một vấn đề mà bà không ít lần nhấn mạnh là các công ty Mỹ phải giành quyền tiếp cận ngành công nghiệp hạt nhân của Saudi, nếu không sẽ mất thị trường vào tay Nga và Trung Quốc.
Sau kết quả nghèo nàn của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội, ông Steve Biegun cho rằng “chính sách ngoại giao vẫn còn có giá trị” với Triều Tiên, một con đường cứng rắn hơn sẽ để Triều Tiên mặc cả từng phần của chương trình hạt nhân để đối lấy xóa bỏ cấm vận, vì thế làm xói mòn sự đoàn kết quốc tế về các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Sau khi Tổng thống Donald Trump thách thức Kim Jong-un “chơi lớn,” ông Biegun cho rằng chính quyền Trump đang tìm kiếm những mặc cả lớn nhất với Bình Nhưỡng: Triều Tiên phải hủy bỏ tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân, hóa học và sinh học) để đổi lấy việc xóa bỏ cấm vận, đảm bảo vĩnh viễn hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Theo ông Biegun, “phiên bản lớn hơn” này sẽ giải quyết những thắc mắc tại sao JCPOA thất bại, đặc biệt khi nó quá tập trung vào chương trình vũ khí hạt nhân của Iran trong khi phớt lờ những vấn đề khác trong mối quan hệ (chẳng hạn như việc ủng hộ các tổ chức khủng bố) vốn cũng góp phần tạo ra căng thẳng./.