Kiểm toán chỉ ra nhiều sai sót của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Kết quả Kiểm toán Nhà nước năm 2020 chỉ ra nhiều sai sót, hoạt động đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả tại nhiều tập đoàn, tổng ty đồng thời kiến nghị tăng thu cho ngân sách Nhà nước 1.031 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kiểm toán Nhà nước cho hay trong năm 2020, toàn ngành đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty.

Theo báo cáo, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nên phải điều chỉnh tài sản, doanh thu và chi phí đồng thời kiến nghị tăng thu cho ngân sách trên 1.031 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính nhiều sai sót

Theo kết quả kiểm toán được công bố ngày 18/8, nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền, như PVPower (tại công ty con-Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, Công ty cổ phần Máy-Thiết bị Dầu khí), PVOIL ( PVOIL Phú Thọ), PVTrans (Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí Quốc tế) và Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thuộc EVN, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm PTSC thuộc PTSC (Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam).

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn tình trạng quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, như Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt thuộc PVTrans có khoản tiền gửi có kỳ hạn được thế chấp tại Ngân hàng để mua tàu, nhưng không thể giao dịch, dẫn đến có thể xảy ra tranh chấp bất lợi. Hay, Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam thuộc PVPower để xảy ra tồn quỹ tiền mặt vượt mức quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng vốn bằng tiền. Tại PTSC, các Công ty cổ phần Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ, PTSC Phú Mỹ, PTSC Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC còn tình trạng chưa cân đối hoặc rà soát nguồn tiền để chuyển tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi. Với PVOIL, một số thời điểm lựa chọn kỳ hạn ngắn hạn để gửi tiền là chưa hợp lý.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý vi phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn]

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị quản lý nợ chưa được chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Một số đơn vị thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo khiến cho nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh, dẫn đến trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (trích thừa: UDIC 5,2 tỷ đồng; PVPower 4,4 tỷ đồng; trích thiếu: PTSC 2,37 tỷ đồng; Hancorp 1,92 tỷ đồng; Sawaco 1,63 tỷ đồng; PVOIL 2,27 tỷ đồng; PVTrans 70,58 tỷ đồng), xóa nợ (Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương thuộc PVTrans 80 tỷ đồng; PC Kon Tum thuộc EVN 0,17 tỷ đồng), trích khấu hao tài sản số định không đúng quy định (trích thừa: VNPT Net 11,14 tỷ đồng; Samco 7,49 tỷ đồng; PTSC 6,74 tỷ đồng; PVOIL 3,47 tỷ đồng; trích thiếu: Sawaco 2,58 tỷ đồng).

Mặt khác, một số đơn vị đã thực hiện mua sắm vật tư chưa đúng với nhu cầu sử dụng dẫn đến lượng vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển hoặc tồn kho lớn, hay chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lâu năm song chưa được nghiệm thu khối lượng hoặc chấp thuận thanh toán hoặc  hết doanh thu. Ngoài ra, một số đơn vị đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn cũng như còn một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả.

Số nợ cao hơn vốn chủ sở hữu

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn là 5,88 lần) hoặc nhiều đơn vị chưa được góp đủ vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định...

Riêng đối với EVN, Hội đồng thành viên ban hành quyết định giao vốn điều lệ khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước phê duyệt chủ trương là không đúng theo quy định của EVN và của pháp luật.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Về đầu tư, nhiều đơn vị có hoạt đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp khiến thua lỗ lớn. Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2019 của Công ty mẹ-PTSC đầu tư vào Công ty TNHH Khảo sát Địa vật lý PTSC CGGV: 2.121 tỷ đồng, Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi: 240,71 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC: 17,46 tỷ đồng; Công ty mẹ-Handico đầu tư vào Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà số 68 lỗ 60,99 tỷ đồng; Công ty mẹ-Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vào công ty con năm 2019 lỗ 38,19 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số đơn vị thậm chí đã mất vốn chủ sở hữu, như Samco: Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn âm vốn chủ sở hữu 344,25 tỷ đồng (công ty 100% vốn đầu tư của Công ty mẹ).

Ngoài ra, một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn hoặc đầu tư ra nước ngoài hiệu quả chưa đạt theo phương án phê duyệt...

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại nhiều doanh nghiệp chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh, định mức lao động chưa phù hợp thực tế và trích quỹ lương vượt quy định.

Về quản lý sử dụng đất, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm, thực hiện hợp tác kinh doanh hoặc nhận hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, giao và thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đất không đúng quy định.

Về hoạt động thoái vốn, nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-cổ phần của Chính phủ, còn vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục