Kiểm toán Nhà nước - Bảo đảm liêm chính trong quản lý kinh tế Nhà nước

Sau 24 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vai trò là một công cụ quản lý hữu hiệu, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Nguồn: hthang.com)

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Sau 24 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vai trò là một công cụ quản lý hữu hiệu, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Địa vị pháp lý và vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập và coi đây là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh Kiểm toán Nhà nước, sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước luôn gắn liền với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và được ghi dấu bằng những mốc son đậm nét.

Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, trong đó, Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công,” kèm theo đó là những quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước. Sự kiện trọng đại này đã nâng tầm Kiểm toán Nhà nước từ cơ quan được luật định thành cơ quan được hiến định, giúp nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

[‘Trách nhiệm giải trình của kiểm toán với dư luận cao hơn bao giờ hết"]

Song song với những quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong rất nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đã đề cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát, cũng như yêu cầu sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước nhằm góp phần đảm bảo phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Điều đó khẳng định, sự hình thành và phát triển Kiểm toán Nhà nước Việt Nam không chỉ là sự hoàn thiện hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp nhu cầu của nhân dân về việc công khai, minh bạch nền tài chính quốc gia.

Chính vì thế, khi đánh giá về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống chính trị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “Sứ mệnh của Kiểm toán Nhà nước không chỉ góp phần vào sự minh bạch và bền vững của nền tài chính quốc gia mà còn góp phần bảo vệ và giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị…”.

Chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước là quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước. Từ đó, trình ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng có nhiệm vụ tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính-ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính khi có yêu cầu; tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

Kiểm toán Nhà nước báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật; tổ chức công bố công khai báo cáo kiểm toán, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; quản lý hồ sơ kiểm toán; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật; thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước còn có nhiệm vụ tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước; tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm toán nhà nước; xây dựng và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Từ những quy định về chức năng, nhiệm vụ cho thấy Kiểm toán Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Chính vì vậy, trong buổi làm việc gần đây với Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

Thủ tướng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không phải chỉ phát hiện sai phạm, căn ke đúng sai mà điều quan trọng hơn là qua công tác kiểm toán, phát hiện những lỗ hổng, chỗ bất hợp lý của pháp luật, công tác quản lý để "vá lại", hoàn thiện thể chế. Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán Nhà nước phải bảo đảm sự liêm chính trong quản lý kinh tế của Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính công và tài sản công..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục