Kiểm tra việc xử lý các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng tại Lai Châu

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị . (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ngày 19/7, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh.

Đoàn công tác sẽ kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố vụ án, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan đơn vị; công tác thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy; việc thực hiện Chỉ thị 50- CT/TƯ ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng;" việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;" việc quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nội dung về chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống liên quan đến "lợi ích nhóm," tiêu cực, tham nhũng.

Các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Lai Châu thuộc diện kiểm tra, giám sát gồm Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; các Ban Thường vụ: Thành ủy Lai Châu, Huyện ủy Tam Đường.

Tại cuộc làm việc, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh đây là cuộc kiểm tra thường xuyên trong bối cảnh Đảng đang tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó cần thiết phải có tinh thần thẳng thắn, đầy đủ và khách quan, nói hết những vướng mắc để qua đó tìm ra cách tháo gỡ, làm tốt hơn việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điển hình là vấn đề xử lý các tin báo tố giác tội phạm; vai trò của Viện Kiểm sát trong xử lý tin báo tố giác tội phạm...


[Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng]

Ngoài việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu, Đoàn công tác và các đơn vị của tỉnh Lai Châu tăng cường trao đổi thông tin sâu, tìm ra cách làm hay, khách quan, tránh cứng nhắc và tránh làm việc theo kiểu "hành chính."

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị của tỉnh thuộc diện được kiểm tra, giám sát tiến hành tự kiểm tra, xây dựng báo cáo tự kiểm tra; chuẩn bị các văn bản tài liệu liên quan bao gồm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát, hồ sơ các vụ việc, vụ án để làm việc, cung cấp cho Đoàn công tác khi có yêu cầu.

Các cơ quan, đơn vị thuộc diện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch phải tổ chức tự kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả theo đề cương, các biểu mẫu thống kê kèm theo; đồng thời báo cáo cụ thể những thông tin báo chí nêu hoặc dư luận quan tâm về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, vi phạm về kinh tế ở địa phương.

Dự kiến, thời gian kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Lai Châu được tiến hành từ ngày 3-11/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục