Thời gian qua, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, ép buộc lang thang xin ăn trên đường phố, nơi có mật độ giao thông cao, các điểm du lịch, gây mất trật tự an ninh xã hội.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra văn bản số 3284/LĐTBXH-TE đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng này.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các hành vi này vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, quyền con người, gây bức xức trong dư luận xã hội, cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
[TP. HCM quản lý người vô gia cư nhằm hạn chế lây lan COVID-19]
Các địa phương có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các tin báo, tố giác và chuyển các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn không có nơi cư trú ổn định vào các khu cách ly phòng dịch COVID-19, sau đó phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của đối tượng, bảo đảm chắc chắn không nhiễm SARS-CoV-2 thì chuyển về cơ sở trợ giúp xã hội.
Đối với trường hợp đối tượng nhiễm SARS-CoV-2, các cơ quan chức năng phối hợp ngay với cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương xác minh nhân thân, hoàn cảnh của đối tượng để đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp; yêu cầu gia đình, người thân có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn trên đường phố, nơi công cộng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an và các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật về trợ giúp xã hội.
Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.