Kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi xả thải hủy hoại môi trường

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải của các hộ chăn nuôi, rác thải sinh hoạt vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư...
Tình trạng đốt rác thải ven đường thường xuyên xảy ra ở khu vực Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Theo nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình vừa được do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải của các hộ chăn nuôi, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản sử dụng hóa chất, hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp; thu gom, xử lý rác thải, cũng đang là những vấn đề hết sức báo động rất cần có chủ trương, đường lối toàn diện.

Vì thế, cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị các cấp, các ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu và căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên; nghiên cứu mô hình lò đốt rác tập trung phù hợp với vùng nông thôn; kiểm tra chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, hủy hoại môi trường…

[Tham vấn cộng đồng khi lập dự án: Đừng làm hình thức, khổ dân!]

Ghi nhận thực tế trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra và chậm được khắc phục tại một số nơi như kiến nghị của cử tri.

Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm hạn chế, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường  hiện hành và các Luật có liên quan.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Cơ quan đầu ngành về quản lý, bảo vệ môi trường sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn bảo đảm tiệm cận với quy chuẩn của các nước tiên tiến. Trên cơ sở đó xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra các lưu vực sông và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.

Với những nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác xử lý tại nguồn thông qua việc triển khai thực hiện tốt quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, biện pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến; chú trọng nâng cao ý thức cho người dân về phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, biện pháp quản lý chất thải rắn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường đi vào hoạt động; các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải ra nguồn nước phải đảm bảo xử lý nước thải theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải…

Trên cơ sở đó, các địa phương thực hiện lộ trình đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp để có thể tập trung thu gom và xử lý chất thải. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn tại khu vực nông thôn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục