Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh trước những thách thức về môi trường, ngập úng và biến đổi khí hậu, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn.
Trên cơ sở đó, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề xuất 6 nhóm giải pháp để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng.
Thứ nhất là về lập và phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Ông Khánh nhấn mạnh quy hoạch này cần phải đảm bảo kết nối phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; các nội dung về bảo vệ môi trường cần được tiếp cận và điều phối mang tính tổng thể ở quy mô cấp vùng.
[Kinh tế tuần hoàn: Bài học từ 6 ngành công nghiệp cốt lõi của Đài Loan]
Trong đó, các quy hoạch tỉnh cần xác định rõ các mục tiêu về bảo vệ môi trường như: Bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng; phân loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải; xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung; quản lý chất lượng môi trường không khí; bảo đảm môi trường sinh thái trong đô thị, khu dân cư tập trung; lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quy hoạch.
Đặc biệt, đối với nhóm giải pháp thứ hai, ông Khánh đề nghị vùng tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; trong đó cần chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh.
Thứ ba là chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo đó, các tỉnh cần ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường thông qua mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao; phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với nhóm giải pháp thứ tư, Bộ trưởng Đặng Quốc Khách cho rằng Vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường.
Trong đó, với môi trường nước và lưu vực sông Đồng Nai, Nhà nước cần xây dựng chương trình đầu tư tổng thể về việc tăng cường đầu tư các nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Trước mắt, vùng cần ưu tiên cho các đô thị có hoạt động xả thải ra lưu vực sông và xử lý nước thải, cải tạo, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm bằng các nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa.
Với môi trường không khí, các tỉnh trong vùng cần xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn; đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động; đầu tư, ứng dụng công nghệ để hoàn thiện nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường.
Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần tổ chức quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung đảm bảo thu gom, xử lý được toàn bộ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn; tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thứ năm, với các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các tỉnh nghiên cứu, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình giúp duy trì và tăng cường “không gian cho sông” và gìn giữ, phát triển “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương trong vùng khẩn trương lập danh mục các hồ, ao, nguồn nước cần bảo vệ; lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; nghiêm cấm lấp sông và hạn chế tối đa việc lấn sông, làm giảm không gian thoát lũ.
Ông Khánh cũng lưu ý để các nhóm giải pháp trên thành công, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng cần được đẩy mạnh và huy động toàn thể nhân dân tham gia liên tục, thường xuyên./.