Kiến tạo mạng lưới nữ giới gìn giữ hòa bình toàn cầu: Liệu có khả thi?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình có thể giúp tăng 20% khả năng thành công của các cuộc đàm phán đó.
Kiến tạo mạng lưới nữ giới gìn giữ hòa bình toàn cầu: Liệu có khả thi? ảnh 1Nữ sỹ quan của Việt Nam lên đường thực thi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Tạo mạng lưới toàn cầu nữ giới gìn giữ hòa bình,” nội dung như sau:

Vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình thế giới là rất quan trọng. Phụ nữ là nhân tố của hòa bình, khoan dung và thịnh vượng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình có thể giúp tăng 20% khả năng thành công của các cuộc đàm phán đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy phụ nữ tham gia các quá trình hòa bình vẫn là một ngoại lệ chứ không phải là thành phần chính.

[Việt Nam đề cao vai trò của phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình]

Indonesia đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị cũng như các quá trình ra quyết định quan trọng. Tại Hạ viện Indonesia, ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành nhà lập pháp và 1/4 nội các Indonesia là nữ bộ trưởng nắm giữ các vị trí quan trọng, chiến lược của Indonesia.

Là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Indonesia luôn đề cao vai trò phụ nữ tham gia các tiến trình hòa bình. Để thực hiện nỗ lực này, Indonesia sẽ mở khóa đào tạo khu vực về hòa bình và an ninh cho các nhà ngoại giao nữ trẻ của khu vực.

Khóa đào tạo nhằm mục đích tạo các kỹ năng, kiến thức cho các nhà ngoại giao nữ với tư cách là nhà đàm phán hòa bình và hòa giải viên. Quan trọng nhất, khóa đào tạo dự kiến sẽ tạo ra và nuôi dưỡng một nhóm các nhà đàm phán và hòa giải nữ có khả năng tham gia đàm phán hòa bình trong khu vực, sau này trở thành các hòa giải viên và nhà đàm phán hòa bình Đông Nam Á.

Mạng lưới nữ giới gìn giữ hòa bình khu vực Đông Nam Á có thể hợp tác với các mạng tương tự ở các khu vực khác để thiết lập một liên kết toàn cầu phụ nữ vì hòa bình và an ninh.

Kiến tạo mạng lưới nữ giới gìn giữ hòa bình toàn cầu: Liệu có khả thi? ảnh 2Các nữ sỹ quan tham gia khóa huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Gần đây, Indonesia đã hỗ trợ khởi nghiệp cho người Palestine bằng cách mở khóa đào tạo cho các doanh nhân nữ trong các trại tị nạn để trao quyền cho phụ nữ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ở Afghanistan, Indonesia tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hòa bình và phúc lợi bằng việc xây dựng năng lực cho phụ nữ Afghanistan. Về vấn đề tộc người Rakhine ở Myanmar, Indonesia đã hợp tác với ASEAN để hỗ trợ giải pháp toàn diện và bền vững, bao gồm cả sự tham gia của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (Trung tâm AHA) trong việc đánh giá nhu cầu để hỗ trợ trong quá trình hồi hương một cách tự nguyện, an toàn.

Trên toàn cầu, hàng loạt vụ việc đã chứng minh rằng vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và giải quyết xung đột là không thể phủ nhận và rất quan trọng. Mặc dù đã có những thành công đáng kể nhưng trong các báo cáo của Liên hợp quốc về phụ nữ cho thấy trong quá trình hòa bình được ghi nhận từ năm 1990 đến năm 2017, phụ nữ chỉ chiếm tỷ lệ như sau: hòa giải viên 2%, tham gia làm nhân chứng 5% và tham gia đàm phán 8%. Hiện chỉ 5,5% nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là nữ.

Để tăng cường vai trò nữ giới gìn giữ hòa bình trong tương lai, cần có bước đi cụ thể:
Ở cấp độ khu vực, phải thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự của phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Tại Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua một tuyên bố chung vào năm 2017 về việc thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh ở ASEAN, khuyến khích sự hội nhập các quan điểm về giới trong tất cả các sáng kiến phòng ngừa xung đột và xây dựng năng lực của phụ nữ như những người hòa bình.

Mặt khác, nên tiếp tục củng cố các cơ quan ASEAN có liên quan, đặc biệt là Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR), tìm cách thúc đẩy, lồng ghép trong xây dựng tiến trình hòa bình và giải quyết xung đột khu vực.

Ở cấp độ toàn cầu, phụ nữ với tư cách là nhân tố của hòa bình thể hiện rõ nhất vai trò của họ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Những người gìn giữ hòa bình nữ có nhận thức tình huống tốt hơn, có thể bảo vệ dân thường khỏi bạo lực tình dục và giới tính, và dễ dàng hơn trong việc giành được trái tim và tâm trí của cộng đồng địa phương. Do đó, Indonesia tiếp tục khuyến khích và chuẩn bị nhiều hơn những người gìn giữ hòa bình nữ có thể bằng cách đưa vấn đề về giới trong gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như một phần của chương trình giảng dạy thường xuyên tại Trung tâm đào tạo gìn giữ hòa bình Indonesia.

Để làm điều này, chúng ta cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa trên nhiều mặt. Thứ nhất, nỗ lực phối hợp để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các nữ giới trong gìn giữ hòa bình. Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong việc gửi các nữ nhân viên gìn giữ hòa bình. Thứ ba, xem xét việc thành lập một liên minh phụ nữ vì hòa bình trên toàn cầu, bao gồm các nữ gìn giữ hòa bình, các nhà đàm phán phụ nữ và hòa giải viên. Có thể nói, đầu tư vào phụ nữ chính là đầu tư vào hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục