Kiện toàn thanh toán bù trừ để mở 'nút thắt" nâng hạng thị trường chứng khoán

Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song để nâng hạng thị trường chứng khoán còn hai nhóm vấn đề cần cải thiện, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương với đầu tư trực tiếp ngoài.

Nội dung trên được khẳng định tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 cũng như Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank (WB) tại Việt Nam cho rằng mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế. Trong đó, thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, thị trường chứng khoán đã đạt được mức vốn hóa khoảng 247 tỷ USD (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021. Điều này đang nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Chuyên gia Ketut Ariadi Kusuma, MSCI (Công ty Tài chính Quốc tế Morgan Stanley) và FTSE Russell (thuộc Tập đoàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn) phân loại và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào chỉ số thị trường cận biên (FM) - [thị trường có quy mô nhỏ, chất lượng hàng thấp, không ổn định, kém thanh khoản, kém minh bạch, thông tin tài chính và luật lệ không tương thích, rủi ro cao…].

Đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam đã lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi đồng thời được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

Các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn cũng đánh giá Việt Nam có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song còn có hai nhóm vấn đề cần cải thiện đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Về điều này, ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho biết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cần đạt được là mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Trên thực tế, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia và công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã cho phép mở tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, ông Johan Nyvene nhấn mạnh sự chủ động mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng chất lượng hàng hóa trên thị trường là quan trọng, bởi nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường là để tìm kiếm lợi nhuận và cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, việc kiện toàn Trung tâm Thanh toán bù trừ là một trong những điểm mấu chốt. Hai tổ chức FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường.

Bên cạnh đó, ông Thái cũng kiến nghị về tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát, nâng cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa và tiếp cận, để việc phát hành, đầu tư tiết kiệm thời gian hơn.

Ông Thái cũng đề xuất chính sách tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết (theo ngành, hiệu quả hoạt động). Điều này góp phần tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần cũng như minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia thị trường chứng khoán. Để làm được những điều này, các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế cần được áp dụng, như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) cho các doanh nghiệp niêm yết nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn thông qua thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục