Kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thay ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ.
Kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TW ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 16/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương vừa ký Quyết định số 32/QĐ-HĐPH kiện toàn thành viên Hội đồng này.

Cụ thể, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng thay ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Ủy viên Hội đồng thay ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương có nhiệm vụ tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả.

[Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương]

Hội đồng triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tư vấn cho Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau: xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trên địa bàn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng cấp về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách pháp luật tại địa phương.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa phương; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục