Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra, kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 5,78%. Tuy nhiên, tăng trưởng trong khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn phụ thuộc một số ít các doanh nghiệp FDI lớn.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, “Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng khi bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó, như nỗ lực tăng vốn, đẩy giải các ngân công trình công, tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể không còn khả thi đồng thời xóa nhòa những quyết tâm cải cách.”
Việc làm mới suy giảm
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, số đơn vị thành lập mới tính tới hết tháng Sáu là 61.276 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016. Song ở một thực tế khác, số đơn vị tạm ngừng hoạt động đã tăng đáng kể 21,8%, với 37.907 doanh nghiệp. Mức này cao hơn nhiều so với hai năm trước (năm 2015 giảm 5,8%, năm 2016 tăng 15,0%).
Thực trạng trên cũng được phản ánh qua thị trường việc làm khi số việc làm mới trong nửa đầu năm đã giảm 2,8%. Hơn thế nữa, số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp cũng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể, tăng trưởng số lượng lao động (tại thời điểm ngày 1/6/2017) chỉ đạt 3,5%/năm. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại ( năm 2015 tăng 6,6%, năm 2016 tăng 5,9%).
Theo các chuyên gia của VEPR, “mức tăng trưởng lao động đã giảm đáng kể trong cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, lần lượt giảm 0,9% và giảm 0,5% trong nửa đầu năm và là mức thấp nhất trong các năm trở lại đây.”
Khối ngoại dẫn dắt
Ông Thành nhấn mạnh, “thực tế cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự được cải thiện. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Samsung.”
Điều này được minh chứng bằng các con số thống kê, nhóm các mặt hàng chủ lực xuất khẩu, bao gồm điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD (tăng 18,3%), điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD (tăng 42,3%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 6,1 tỷ USD (tăng 36,3%).
Ông Thành phân tích thêm, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực vốn ngoại tăng nhanh cho thấy Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khối nước ngoài. Năm 2009, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 32,9% thì con số này đã nhanh chóng tăng lên 70,2% vào năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.
“Khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng,” ông Thành cảnh báo.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải xem xét thấu đáo hơn, như hiện nay khu vực này không phát triển được bao nhiêu.
Dự báo tăng trưởng 6,4%
Về tăng trưởng, ông Lê Đăng Doanh kiên trì nhận định nền kinh tế vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng, do đó mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Chính phủ là hợp lý.
Trái lại, tiến sỹ Võ Trí Thành lại cho rằng tăng trưởng đã cận tiềm năng. Vì vậy ông nhấn mạnh, chính sách kích cầu đã không còn phù hợp mà thay vào đó Chính phủ cần phải cải cách mạnh hơn để kích nguồn cung.
Sau khi phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, nhóm các chuyên gia của VEPR đưa ra dự báo, tăng trưởng quý 3 và 4 sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, theo đó tăng trưởng cả năm đạt 6,4% và tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR trước đó. Bên cạnh đó, mức lạm phát cả năm sẽ được kỳ vọng dưới mức 2,5%. Cụ thể, lạm phát cuối quý 3 có thể là 1,8%, sau đó tăng lên 2,2% về cuối năm.
Dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2017 của VEPR
(đơn vị: %)
Tuy nhiên nhóm chuyên gia này cảnh báo, việc tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp FDI lớn, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm về quy mô lao động. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang trở nên khó khăn.
“Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng. Mức tăng trưởng chung dù cao song có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không,” ông Nguyễn Đức Thành nói.
Về điều này, tiến sỹ Võ Trí Thành chỉ ra, thuật ngữ tăng trưởng song hành cùng chất lượng rất dễ bị nhầm lẫn và điều này có tính áp đặt chỉ huy. Do vậy theo ông, thông điệp kinh tế vĩ mô cần phải thận trọng, cần phải nhìn về phía dài hạn với việc dịch chuyển cơ chế thị trường chứ không phải bằng mọi cách dồn mục tiêu cho tăng trưởng ngắn hạn mà quên cải cách.
Nhóm chuyên gia VEPR cho rằng, việc lạm phát giảm xuống thấp trong quý 2, Chính phủ sẽ có nhiều không gian để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên gia VEPR có đưa ra một số kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên, như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả chi phí quản trị Nhà nước.
“Thêm vào đó, để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, tuy nhiên rất cần rất cảnh giác với những hiện tượng, như nhiều thay đổi chính sách lại tạo ra thêm giấy phép con mới, những điều kiện mới đồng thời gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp,” ông Thành nói./.