Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, hiện nay, tại một số địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, huyện Đăk Hà,.. việc “sốt" đất vẫn đang diễn ra, đặc biệt là các tháng đầu năm 2022 phát sinh nhiều hơn, thị trường bất động sản đang sôi động hơn so với những năm trước đây.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số đối tượng “cò đất” đã đưa ra thông tin giả về các dự án, quy hoạch đất đai hoặc lợi dụng tâm lý của người dân hám lợi, cài người giao dịch mua bán giả để tạo cơn sốt. Từ đó, các đối tượng “cò đất” lôi kéo người dân vào tham gia mua bán.
Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được ví như Đà Lạt thứ hai, bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, được bao phủ bởi rừng thông. Chính vì vậy, đây là điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách vào các dịp lễ, Tết hay các hoạt động văn hóa, du lịch cấp tỉnh, cấp huyện.
[Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực]
Điều này đã khiến cho giá đất tại đây tăng cao. Theo khảo sát của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, một thửa đất xây biệt thự tại Măng Đen hiện cao hơn nhiều so với mức giá cách đây một năm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tăng giá, “sốt" đất là bởi khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, nhất là sau thời điểm mở cửa du lịch 15/3, thị trấn Măng Đen đã diễn ra nhiều hoạt động du lịch cấp tỉnh, cấp huyện và cấp khu vực.
Tuy nhiên, việc tăng giá đất ở khu vực thành thị tại Măng Đen chưa phải là điều đáng lo ngại, mà vấn đề khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” chính là việc một số đối tượng đang mua đất của đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực ven thị trấn Măng Đen để tách thửa, bán lại với giá cao.
Làng du lịch cộng đồng Kon Bring, thị trấn Măng Đen đang trở thành “mục tiêu” của các đối tượng “cò đất.” Làng có 68 hộ dân, chủ yếu là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), chuyển về từ vị trí làng cũ cách làng mới hơn 1 km.
Toàn bộ đất ở làng cũ được bà con giữ lại để canh tác nông nghiệp, đa số trồng bời lời, cà phê, cây ăn quả. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các đối tượng “cò đất” đã tìm đến làng, đồn thổi về việc khu vực làng cũ đã được quy hoạch thành khu du lịch, nếu bà con trong làng không bán đất thì sẽ bị thu hồi và đền bù với giá rất rẻ.
Bà Y Lim (làng Kon Bring) cho biết, hiện đã có hơn 10 hộ dân trong làng bán rẫy ở khu vực làng cũTuy nhiên, sau khi sang tên, những người chủ mới nhanh chóng bán lại cho người khác với giá cao gấp 2-3 lần.
Đơn cử như gia đình ông A Thơm đã bán 6,2 sào đất rẫy với giá 500 triệu đồng cho một người mua bán bất động sản tại thị trấn Măng Đen. Đến nay, người này đã bán lại cho nhiều người khác đến từ thành phố Kon Tum với tổng giá trị lô đất lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Măng Đen, theo Quyết định 298/QĐ-TTg năm 2013 về “Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, thì khu vực làng cũ của làng Kon Bring chỉ là rừng và lúa nước, không quy hoạch làm dự án nào.
“Việc mua bán đất hiện nay tại Măng Đen diễn ra rất rầm rộ, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để vẽ ra quy hoạch, mua đất với giá rẻ và bán lại với giá cao để hưởng chênh lệch. Thậm chí, một số hộ dân không đồng ý bán đất thì các đối tượng mời uống rượu say, sau đó viết giấy bán đất,” ông Châu Văn Lâm nói.
Cũng với chiêu trò “vẽ” ra các dự án nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái bên lòng hồ Plei Krông (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà), cuối năm 2021, các đối tượng “cò đất” đã tìm cách thu mua hàng chục ha đất sản xuất của nhân dân ven lòng hồ. Sau đó, tạo cơn sốt đất ảo, đẩy giá lên cao.
Thậm chí, có thời điểm, các đối tượng “cò đất” còn hỏi mua 1 gốc cao su với giá 1 triệu đồng để thổi giá. Sau khi bán được đất với giá cao, các đối tượng này nhanh chóng biến mất.
Ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà khẳng định tỉnh chưa có bất cứ một dự án nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái bên lòng hồ Plei Krông, song các đối tượng “cò” đất đã tự vẽ ra dự án để thổi giá, tạo cơn sốt ảo.
Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, việc “vẽ” ra dự án để phân lô, bán nền, tạo ra các cơn “sốt đất ảo” sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Đối với các vùng nông thôn, giá đất sốt ảo khiến người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất; một số hộ dân sản xuất nông nghiệp, trong đó có cả người đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bán đất nông nghiệp, sẽ bị mất sinh kế, đất nông nghiệp bị để hoang.
Trong thời tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum sẽ đẩy nhanh tiến độ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành, công bố rộng rãi đến người dân.
“Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh, kiểm tra toàn diện tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Qua đó, kịp thời phát hiện các sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng dự thảo quy hoạch làm lũng đoạn thị trường,” ông A Byot khẳng định.
Dù đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, song rõ ràng, việc các đối tượng liên tục “vẽ” ra các dự án để dụ dỗ người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, sau đó phân lô, bán nền đang trở thành vấn nạn tại Kon Tum.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum cần sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm đối với hành vi trên. Qua đó, giúp bà con nhân dân không bị dụ dỗ, giữ lại đất sản xuất - “cần câu cơm” của bà con./.