Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, trước mùa mưa bão 2022, địa bàn tỉnh có hàng trăm vị trí có nguy cơ sạt lở cao, chủ yếu tại các quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei.
Trong bối cảnh mùa mưa bão đang đến gần, cùng dự báo lượng mưa nhiều hơn các năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm các xã Tu Mơ Rông, Măng Ri, Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Hà, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông); các xã Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Ngọc Tem (huyện Kon Plông); các xã Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Pek, Đăk Blô, Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei)...
Các tuyến tỉnh lộ 673 (huyện Đăk Glei), 676 (huyện Kon Plông); 672, 678 (huyện Tu Mơ Rông), các tuyến quốc lộ 24, 40B thường xuyên xảy ra sạt lở.
“Nếu xảy ra sạt lở, khả năng gây thiệt hại lớn cho các công trình cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông bị bồi lấp, sụt lún, đứt đường gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân,” ông Lực phân tích.
Đơn cử, tuyến đường huyết mạch nối hai thôn Đăk Văn 1, Đăk Văn Linh với Ủy ban nhân dân xã Văn Xuôi bị sạt lở từ cuối mùa mưa năm 2021. Tại vị trí sạt lở, hơn một nửa nền đường đã sạt và bị nước cuốn trôi, chỉ còn trơ lại phần bê tông đã vỡ. Đáng nói, vị trí này đã được lực lượng chức năng kè đá, song vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng sạt lở.
[Nhiều khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ]
Để đảm bảo cho người dân và phương tiện qua lại, chính quyền địa phương đã chủ động giăng dây, cắm biển cảnh báo, chừa lại một khoảng đủ để người và xe máy đi qua.
Chị Y Định (sinh năm 1987, trú thôn Đăk Văn 1) cho biết, chị và bà con trong thôn thường xuyên phải đi qua tuyến đường huyết mạch này.
Từ khi đường bị hỏng, mọi người đều rất lo lắng mỗi khi đi qua. Những hôm trời mưa, chị không dám đi đường này, mà buộc phải đi bộ qua ruộng để sang bên kia. Chị mong muốn chính quyền sớm có giải pháp khắc phục, nhất là khi mùa mưa bão và mùa thu hoạch sắn của bà con sắp đến.
Ông Phạm Duy Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông cho biết, địa bàn xã hiện có ba điểm sạt lở. Tuy nhiên, vị trí sạt lở trên tuyến đường nối xã với hai thôn Đăk Văn 1 và Đăk Văn Linh là nặng nhất.
Việc sạt lở gây khó khăn cho bà con đi lại, nông sản của hai thôn với khoảng hơn 400 nhân khẩu, muốn vận chuyển phải đổi, chuyển xe nên rất vất vả. Xã đã kiến nghị với huyện bố trí nguồn vốn, khắc phục điểm sạt lở này, để thuận lợi cho bà con.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tu Mơ Rông, toàn huyện có 43 điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao. Tại các vị trí này, Ban đã yêu cầu một số đơn vị thi công thành lập các Trạm Quản lý cầu đường bộ, túc trực 24/24, bố trí máy móc, trang thiết bị như máy xúc để sẵn sàng ứng phó với tình trạng sạt lở có thể xảy ra.
Ông Tạ Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý sửa chữa và xây dựng giao thông Đăk Bình cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 6 tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Công ty đã thành lập ba Trạm Quản lý cầu đường bộ nằm trên các tuyến, phần lớn ở các điểm xung yếu.
Hiện, các trạm đều được bố trí từ một đến hai máy xúc túc trực để phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong mùa mưa bão 2022. Vị trí sạt lở trên tuyến quốc lộ 40B nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Nam luôn được chú trọng, bố trí nhân lực, vật lực vì mỗi khi mưa xuống, vị trí này lại bị sạt lở.
Theo ông Nguyễn Trọng Thọ, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, đầu tháng 6/2022, Sở đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc kiến nghị ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để sửa chữa, khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm giao thông trên các tuyến tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, đoạn tránh đèo Văn Rơi, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh. Các tuyến đường này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của mùa mưa bão năm 2021.
“Tổng mức đầu tư của việc sửa chữa là 6,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung mục tiêu năm 2021. Thời gian thực hiện hoàn thành trong năm 2022. Khi hoàn thành, việc sửa chữa, khắc phục này sẽ đảm bảo cho giao thông trên các tuyến đường được an toàn, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực, bảo đảm tính cơ động lực lượng nhanh chóng, kịp thời trong mọi tình huống do mưa bão gây ra,” ông Nguyễn Trọng Thọ cho biết thêm.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum khẳng định, để chủ động phòng, chống thiên tai nói chung và công tác phòng, chống sạt lở đất, lũ quét nói riêng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở hướng dẫn cho các huyện, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó thiên tai cụ thể, chi tiết cho từng địa bàn do địa phương quản lý; trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các vị trí xung yếu, trọng điểm có nguy cơ về sạt lở, lũ quét...
“Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo tại khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở đất đá, lũ quét như vùng ven sườn đồi, sườn núi dốc dễ bị sạt lở... để người dân biết chủ động phòng tránh. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong mùa mưa bão cần thực hiện tốt phương châm " bốn tại chỗ"; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết khác, sẵn sàng huy động các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố thiên tai theo phương án, kế hoạch được duyệt,” ông Trần Văn Lực nhấn mạnh./.