"Kỳ đà cản mũi" trong quan hệ hợp tác Trung-Nhật

Trung Quốc đang thúc đẩy việc cải thiện các mối quan hệ vốn khá căng thẳng với các nước láng giềng trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải vật lộn với những áp lực gia tăng từ phía Mỹ.
"Kỳ đà cản mũi" trong quan hệ hợp tác Trung-Nhật ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: chinadaily.com.cn)

Trang mạng Bloomberg.com, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tuần này để gặp Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp.

Đây là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới đang được cải thiện.

Aso, 77 tuổi, dự kiến sẽ thảo luận với Tiêu Tiệp về việc khôi phục và mở rộng một thỏa thuận trao đổi tiền tệ trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Mặc dù bất kỳ thỏa thuận nào kiểu như vậy đều có tầm quan trọng thực tiễn rất hạn chế, song thỏa thuận lần này sẽ có ý nghĩa vì nó phản ánh mối quan hệ ấm dần lên giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á.

Trung Quốc đang thúc đẩy việc cải thiện các mối quan hệ vốn khá căng thẳng với các nước láng giềng trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải vật lộn với những áp lực gia tăng từ phía Mỹ trong lĩnh vực thương mại và an ninh.

Liu Jiangyong - Giáo sư quan hệ quốc tế chuyên nghiên cứu về Nhật Bản tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh - nói: “Sự bảo hộ thương mại đơn phương của Mỹ đang gây tổn hại cho rất nhiều quốc gia. Các nước này cần tăng cường hợp tác, trong đó phải kể đến sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản, để giảm bớt thiệt hại."

Tuy nhiên, sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Bắc Kinh và Tokyo về thương mại hoặc việc hai nước này thể hiện một sự đoàn kết vững chắc chống lại các biện pháp thuế quan của Mỹ có vẻ như khó có khả năng xảy ra do những mâu thuẫn lịch sử, tầm nhìn thương mại khác biệt và do cả hai nước không có nhu cầu hợp tác để chống Mỹ.

Giải quyết mâu thuẫn

Trung Quốc và Nhật Bản trước đây đã có một thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 3 tỷ USD, nhưng đã mất hiệu lực vào năm 2013 trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước xung quanh những tranh chấp một nhóm đảo nhỏ không có người ở. Việc này minh chứng cho mối quan hệ “tụt dốc không phanh” nhanh chóng đến mức độ nào giữa các nước láng giềng Đông Bắc Á.

Theo một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên, các nhà đàm phán sẽ thảo luận về một thỏa thuận trao đổi tiền tệ mới trị giá 3 nghìn tỷ yen (khoảng 27 tỷ USD). Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo trước đó cũng đã thông báo việc hai nước sẽ bàn thảo về thỏa thuận trao đổi tiền tệ này.

Thỏa thuận trao đổi tiền tệ sẽ được thực hiện sau khi hai nước tiến hành một tiến trình cải thiện dần dần mối quan hệ song phương.

Trong chuyến thăm tới Nhật Bản hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã thông báo một cơ chế liên lạc giữa hai bên để tránh xảy ra những xung đột hàng hải và hàng không không đáng có.

[Trung - Nhật và cuộc chạy đua vị thế "hàng xóm thứ ba" tại Mông Cổ]

Những giới hạn về cấu trúc

Tuy nhiên, những trở ngại để hai nước đạt được sự hợp tác sâu sắc hơn là vô cùng lớn. Những mâu thuẫn lịch sử và tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết vẫn phủ bóng lên mối quan hệ song phương.

Sự tăng trưởng kinh tế bền vững và khả năng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng.

Tobias Harris - Phó giám đốc trung tâm tư vấn Teneo Intelligence ở Washington - nhận định: “Chắc chắn sẽ có những cải thiện nhỏ được thực hiện, và mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, thật khó để chứng kiến những động lực cấu trúc cơ bản sẽ thay đổi như thế nào trong cách tạo ra một sự thay đổi bền vững hơn hướng tới hội nhập kinh tế.”

Harris cho rằng chẳng có bất kỳ lòng tin cơ bản nào có thể biến điều đó thành hiện thực.

Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng tồn tại nhiều bất đồng trong lĩnh vực kinh tế.

Đầu năm nay, Nhật Bản đã đứng về phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến các quy định sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Shinichi Seki, nhà kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Nhật Bản tại Tokyo, nói: “Nhật Bản phải nêu lên một số vấn đề mà vốn dĩ Trung Quốc khó có thể tiếp nhận,” đồng thời chỉ ra rằng những hạn chế về đầu tư nước ngoài và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước là hai chủ đề chính cần được giải quyết.

Bắc Kinh và Tokyo cũng có những quan điểm khác biệt trong vấn đề thúc đẩy thương mại khu vực.

Trong khi Nhật Bản ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Tokyo đang nắm vai trò dẫn dắt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định này, Trung Quốc lại ủng hộ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó Bắc Kinh là "người chơi" chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.