Ngày 24/6, tại Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng đã ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Hội Nhà báo Việt Nam.
Lễ ký có sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bản ghi nhớ, 2 đơn vị sẽ tổ chức họp báo định kỳ (6 tháng, 1 năm) với các cơ quan báo chí trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của vùng, phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, báo cáo chuyên đề về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và những sự kiện thời sự ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, liên kết vùng, hội nhập kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững; phối hợp chỉ đạo, quản lý báo chí, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng báo chí trên địa bàn.
Hai bên cũng đồng thuận xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm đào tạo báo chí truyền thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại thành phố Cần Thơ.
Hội Nhà báo Việt Nam tham gia phản biện, đánh giá việc thực hiện các chương trình mang tính xã hội của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Hai bên phối hợp định hướng thông tin, tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trong vùng về những vấn đề xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vấn đề có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Hằng năm, hai bên đồng chủ trì tổ chức các giải báo chí về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, báo chí viết về miền Tây...
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng, biên bản thỏa thuận hợp tác là cơ sở để Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp định hướng thông tin, tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trong vùng về những vấn đề diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vấn đề có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Biên bản cũng là cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, nâng cao kỹ năng tác nghiệp, thúc đẩy phát triển lực lượng báo chí trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, đa chiều, tăng tính tương tác về thông tin trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng.
Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam cũng phát động giải báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long./.