Kỳ họp thứ 3: Tìm giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Làm rõ hơn về vấn đề quy hoạch "treo," Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ đã quy hoạch, phải 5 năm, 10 năm hoặc cao hơn chứ không phải quy hoạch xong thì làm ngay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những nội dung góp ý liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp với các địa phương, bộ, ngành và các đơn vị khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Giải trình về việc lập dự toán ngân sách, đặc biệt là dự toán thu ngân sách chưa sát với thực tế, Bộ trưởng lý giải "Niên độ tài khóa của Việt Nam đến ngày 31/12 dương lịch. Thời điểm khi lập dự toán theo Luật Ngân sách Nhà nước là khoảng tháng 9 và tháng 10, nên ước thực hiện nhiều lúc chưa sát."

Liên quan đến chi cho giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định những năm qua nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục và đào tạo đều đảm bảo theo yêu cầu của Luật Giáo dục. Về vấn đề dự phòng ngân sách, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đã tiết kiệm được nguồn dự phòng dùng chi cho an ninh quốc phòng; phòng, chống thiên tai, lũ lụt, ứng phó với thảm họa... nhằm bảo đảm tiết kiệm.

[Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nhiệm vụ cấp bách là chống được lạm phát]

Bộ trưởng ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền, có kế hoạch hoàn thiện, khắc phục những tồn tại liên quan đến các lĩnh vực này, đặc biệt là hoàn thiện về mặt pháp luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai...

"Trong thực tiễn còn rất vướng mắc, theo Luật Ngân sách Nhà nước, không được dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác. Nhưng khi triển khai các công trình về đường cao tốc hay các công trình liên vùng mà ngân sách của các tỉnh có điều kiện muốn bỏ ra để giải phóng mặt bằng thì lại mắc phải điều luật này và phải trình xin ý kiến Quốc hội," Bộ trưởng cho biết.

Làm rõ hơn về vấn đề quy hoạch "treo," Bộ trưởng nêu rõ đã quy hoạch, phải 5 năm, 10 năm hoặc cao hơn chứ không phải quy hoạch xong thì làm ngay. Dẫn ví dụ trong giải phóng mặt bằng đối với một tuyến đường, theo quy định, không cho phép làm nhà, sửa chữa, làm thêm công trình trên tuyến đường đã thuộc diện quy hoạch này.

Nhưng như vậy, người dân sẽ thắc mắc "Chúng ta giải quyết việc này thế nào, bằng cách phải mở ra cho chính quyền địa phương, hộ dân nào muốn đi trước thì bố trí tái định cư cho họ, cho đền bù để đi trước. Sau này chúng ta giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi khi thực hiện các dự án. Còn công trình sản xuất vẫn bình thường. Điều đó có nghĩa là sẽ không có từ "treo" nữa. Còn "treo" là từ dân gian chúng ta đặt ra," Bộ trưởng nói.

Về vấn đề thị trường vốn, ngân hàng, tiền tệ, chứng khoán và đặc biệt là thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, trong quản lý khoáng sản, quản lý rừng, quản lý đất đai, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục "siết" lại để khắc phục tình trạng bất cập trong các lĩnh vực này, đồng thời lấy ví dụ từ quản lý đất đai.

Căn cốt gây ra thất thoát về đất đai chủ yếu do ba nguyên nhân là do chưa sát giá, do chuyển mục đích sử dụng đất, đất để lãng phí không sử dụng. "Chúng ta phải siết lại bằng các quy định của pháp luật và thực hiện các quy định pháp luật đó đối với doanh nghiệp nhà nước," Bộ trưởng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục