Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 9/6, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật và Báo cáo thẩm tra dự án Luật, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ.
Quang cảnh phiên họp chiều 8/6. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật và Báo cáo thẩm tra dự án Luật, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời, việc xây dựng Luật nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

[Thông cáo báo chí số 15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV]

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục