Ngày 15/5, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập” với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật trong lĩnh vực đất đai cùng hơn 35 bài tham luận.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, những hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 phần nào đã được khắc phục với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, Dự thảo Luật vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục được hoàn thiện như công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai; việc tạo quỹ đất; chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất, bảng giá đất; công tác thu hồi đất, bồi thường vật nuôi, cây trồng...
Thông qua những ý kiến tại hội thảo, ông Trần Việt Trường kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đóng vai trò nền tảng, thiết lập hệ thống pháp luật đất đai chặt chẽ, thống nhất, khoa học, phát huy tối ưu nguồn lực đất đai cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ nói riêng và của cả nước nói chung.
[MTTQ phản biện xã hội lần 2 đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi]
Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa đáp ứng được nhiều nội dung, mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022.
Cụ thể, dự thảo vẫn chưa làm rõ vấn đề về xác định giá đất phù hợp với thị trường; trường hợp về sử dụng đất đa mục đích, đặc biệt là đất tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo, Dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các luật, bộ luật khác...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã mang lại những hiệu quả tích cực trong quản lý và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế hội nhập và sự tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những yêu cầu mới vô cùng cấp bách trong khai thác nguồn lực đất đai cho quá trình phát triển của đất nước.
Nhằm tạo ra đột phá mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực đất đai theo yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú ý xây dựng các quy định mạch lạc, minh bạch về một số nội dung như: thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo quỹ đất sạch; thu hồi đất vùng phụ cận…
Bên cạnh đó, cần tạo các cơ chế phù hợp, thiết thực góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường tái định cư nói riêng và lĩnh vực đất đai nói chung.
Theo Viện sỹ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Điện, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Đất đai trong thời gian tới cần hướng đến việc thừa nhận đầy đủ các quyền của “chủ sở hữu” đối với “quyền sử dụng đất”; cần xem xét “quyền sử dụng đất” như một tài sản, với tư cách chủ sở hữu, người dân có thể thực hiện toàn bộ các quyền được pháp luật, hiến pháp thừa nhận đối với loại tài sản đặc biệt này.
Các nhà hoạch định chính sách thông qua Luật Đất đai cần dự đoán và đặt ra các “giới hạn” cho chủ sở hữu sao cho phù hợp với lợi ích chung của đất nước.
Hội thảo diễn ra trước thềm Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc góp ý sửa đổi Dự thảo Luật Đất đai trước khi được Quốc hội biểu quyết thông qua trong Kỳ họp kế tiếp diễn ra vào tháng 10/2023./.