Chiều 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi).
Tránh “đẽo cày giữa đường”
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng trong công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quan trọng nhất là phương pháp, kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân một cách khoa học, thực chất, hiệu quả, trung thực, khách quan bởi đây là công sức, tâm huyết của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, có quan điểm, giải trình rõ ràng đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tránh “đẽo cày giữa đường.”
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi cơ quan soạn thảo tiếp thu gần 12 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội; đăng tải các bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) công khai, minh bạch tới toàn dân.
[Hơn 9 triệu lượt góp ý về đất đai: Ban soạn thảo luật tiếp thu ra sao?]
“Đối với những vấn đề thực tế làm tốt, chứng minh hiệu quả, cần tiến hành đánh giá rõ tác động và đưa vào trong luật,” Phó Thủ tướng lưu ý; đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành lập kế hoạch xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được ban hành.
Khắc phục tình trạng đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí
Trước đó, báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1-15/3.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài. Đây thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng.
Tính đến ngày 2/4 vừa qua, có gần 11,7 triệu lượt ý kiến đóng góp. Điển hình, về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có gần 1,16 triệu lượt ý kiến đóng góp; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với hơn 1 triệu lượt ý kiến; về tài chính đất đai, giá đất, có khoảng 980.000 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với gần 952.000 lượt... Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
“Việc tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện rất đầy đủ,” Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết; đồng thời nêu rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, đất an ninh; đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.
Ngoài ra, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập; hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc một lần đối với trường hợp sử dụng đất thương mại dịch vụ có nhà nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; thời điểm cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất...
Để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, thống nhất quy định đối với những luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Luật Giá; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng...). Đồng thời, xây dựng phương án “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi quy định liên quan đến đất đai trong các luật chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành rà soát các luật liên quan để bổ sung quy định nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; điều tiết chênh lệch địa tô; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế./.