Kỷ lục "Đại thủy chiến" và bài học về sức mạnh của lòng dân

Bài học về sức mạnh lòng dân trong đấu tranh chống ngoại xâm là điều mà các nhà làm phim "Roaring Currents" muốn gửi gắm, và đó cũng là bài học cho những nền điện ảnh đang phát triển.
Nam diễn viên gạo cội Choi Min-sik thủ vai Đô đốc Yi trong "Roaring Currents" (Nguồn: CGV)

Có nhiều cách để giáo dục lòng tự hào dân tộc, nhưng không phải cứ thực hiện một chiến dịch rầm rộ, tốn kém là sẽ đạt được mục đích. Người Hàn Quốc không những đã làm được điều đó mà còn thành công vang dội khi “Roaring Currents” (Đại thủy chiến) thu hút 17 triệu lượt người xem trong nước, trở thành phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh nước này, qua mặt cả bom tấn Hollywood “Avatar.” 

Bộ phim dài 128 phút đã tái hiện lại cuộc chiến đấu ngoan cường và quyết liệt của hải quân Triều Tiên trước quân đội Nhật Bản vào cuối tháng 10 năm 1597. Trong hoàn cảnh đầy nguy nan, chỉ còn lại 12 chiến thuyền cùng đội ngũ binh sĩ hoảng sợ và tuyệt vọng, đô đốc Yi Sun Shin vẫn bình tĩnh suy tính sách lược, kiên cường đối phó và giành lấy chiến thắng tưởng chừng như không thể. 

Ấn tượng đầu tiên là sự công phu của các nhà làm phim, khi tái hiện những cảnh thủy chiến một cách đầy hoành tráng, chẳng kém gì các bộ phim bom tấn của Mỹ.

Không chỉ có vậy, từng chi tiết cũng được chăm chút một cách tỉ mỉ, từ bối cảnh, trang phục hay hóa trang nhân vật. Tất cả đều toát lên vẻ chân thực đúng với không khí của một thời kỳ lịch sử đầy bi tráng.

Đạo diễn của bộ phim, Kim Han-min chia sẻ: "Bộ phim bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Làm thế nào mà 12 chiếc tàu có thể chiến đấu và chiến thắng trước 330 tàu chiến của đối phương? Tôi hy vọng bộ phim có thể miêu tả một cách chân thực trận chiến bất khả thi này trên màn ảnh rộng. Tôi cũng mong mỏi niềm tin mãnh liệt và chiến thắng của Đô đốc Yi sẽ khích lệ chúng ta, đem lại hy vọng và lòng dũng cảm”.

Phim có sự góp mặt của nam diễn viên hàng đầu Hàn Quốc, Choi Min-sik, người đã đạt tới đẳng cấp quốc tế nhờ vào diễn xuất sâu lắng của mình (nổi tiếng với phim giành giải ở Liên hoan phim Cannes là "Oldboy," mới xuất hiện trong "Lucy" bên cạnh Scarlett Johansson). Ông đã tái hiện thành công hình ảnh của đô đốc Yi Sun Shin, một trong những vị anh hùng dân tộc kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc Triều Tiên.

Thế nhưng, điều đáng nói nhất chính là thông điệp mà bộ phim chuyển tải. “Đại thủy chiến” rõ ràng là một bản anh hùng ca, song nó không giống với nhiều bộ phim sử thi khác vốn hay đề cao chủ nghĩa anh hùng, mà khắc họa nỗi sợ hãi của người lính trận lẫn cả những vị tướng. Chính nỗi sợ hãi ấy khiến các nhân vật gần gũi và chân thực hơn, đồng thời càng tôn thêm chiến công của Đô đốc Yi.

Dĩ nhiên, nhân vật anh hùng lịch sử Triều Tiên được khắc họa theo hình mẫu của một con người mưu trí, quả cảm, xuất chúng. Song tất cả những phẩm chất ấy chỉ có thể được phát huy một cách tối đa nhờ vào sự ủng hộ của “bách tính”. 

Bài học về sức mạnh lòng dân trong đấu tranh chống ngoại xâm là điều mà các nhà làm phim "Đại thủy chiến" (chiếu từ 5/9) muốn gửi gắm, và đó cũng là bài học cho những nền điện ảnh đang phát triển.

Trailer của Đại thủy chiến:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục