Kỷ nguyên mới của kiểm soát vũ khí để thay thế INF lỗi thời?

Việc Mỹ rút khỏi INF được cho là sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới trong việc kiểm soát vũ khí bằng cách khởi động các cuộc thảo luận về cơ chế ba bên bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Kỷ nguyên mới của kiểm soát vũ khí để thay thế INF lỗi thời? ảnh 1Tên lửa Novator 9M729. (Nguồn: defenseone.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Mỹ mới đây thông báo rằng nước này rời khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ khí hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF), đồng thời cáo buộc Nga vi phạm hiêp ước khi phát triển và sản xuất đến 100 tên lửa 9M729 hay SSC-8 trong vài năm qua.

Loại tên lửa hành trình được đặt trên mặt đất này có tầm bắn từ 500 đến 5.500km và vì thế là bất hợp pháp theo các điều khoản của hiệp ước.

Ngay sau đó, Nga nói rằng nước này cũng sẽ rời khỏi INF và lập tức thông báo một chương trình xây dựng hệ thống tên lửa tầm trung dựa trên tên lửa hải quân Kalibr đến năm 2021. Điều gì sẽ diễn ra trên Trái Đất khi chấm dứt việc tuân thủ hiệp ước?

Lịch sử là quan trọng. Hiệp ước INF được ký kết trong cuộc Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong đó các tên lửa của Mỹ và Liên Xô được đặt trong phạm vi của các thành phố châu Âu.

Khủng hoảng tên lửa châu Âu cuối những năm 1970 và 1980 của thế kỷ trước, từng chứng kiến Liên Xô huy động tên lửa hành trình có thể bắn tới hầu hết lục địa châu Âu, đã hối thúc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Moskva trong vòng 10 phút hoặc ít hơn.

Học thuyết Ogarkov của Liên Xô đã dẫn tới quan hệ căng thẳng giữa Nhà Trắng và Kremlin trong nhiều năm.

Hiệp ước INF cấm tất cả các loại tên lửa đặt trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km và giải thoát cho châu Âu khỏi thảm họa hủy diệt hoàn toàn- gần 3.000 tên lửa hành trình và đạn đạo đã bị phá hủy.

Hiệp ước này không bao gồm các loại vũ khí được phóng từ ngoài biển và trên không và cũng không tính đến Trung Quốc, Triều Tiên, Iran hay Israel.

Thực tế, hiện nay Nga đang tạo ra các loại tên lửa mới, bao gồm các loại vũ khí siêu thanh. Đây không chỉ là một thông điệp gửi đến phương Tây mà còn có thể được nhìn nhận trong bối cảnh của bất kỳ thách thức tiềm tàng nào từ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia láng giềng nào khác trong tương lai.

Nhiều khả năng việc Nga tiếp tục đẩy nhanh phát triển công nghệ tên lửa và hệ thống phóng không chỉ nhằm trực tiếp đến châu Âu.

[Nga tuyên bố sẵn sàng cân nhắc đề xuất hiệp ước hạt nhân mới với Mỹ]

Chính quyền Trump cần làm gì để tái cài đặt cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí. Nhà Trắng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa do Nga tạo ra, cũng như các nước nằm ngoài hiệp ước INF vốn không còn hoạt động nữa, đặc biệt là Trung Quốc.

Việc chấm dứt INF phù hợp với những gì mà cộng đồng tình báo Mỹ đã báo cáo lên Quốc hội.

Cuộc chạy đua vũ trang thực sự đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương chứ không phải ở châu Âu, khi cả Nga và Mỹ đang theo dõi sát sao kho vũ khí tầm trung ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc mà chưa bao giờ là mục tiêu của một hiệp định kiểm soát vũ khí.

Kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã phát triển kho vũ khí các loại tên lửa mặt đất đa dạng và lớn nhất thế giới.

Kho vũ khí của Trung Quốc bao gồm hơn 2.000 tên lửa hành trình và đạn đạo, gần 95% tên lửa của Trung Quốc vi phạm hiệp ước INF nếu Bắc Kinh là một bên ký kết.

Nhưng hiệp ước INF đã ngăn cản Mỹ đặt các loại tên lửa mặt đất tầm trung và tầm ngắn gần Trung Quốc như một sự răn đe. Hiện nay, với việc Mỹ rút khỏi INF, khả năng lắp đặt các tên lửa tầm trung ở Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể trở thành hiện thực.

Vì những lợi ích chiến lược, Trung Quốc nghiêm túc tính tới khả năng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga vào năm 2021.

Cả tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường trong kho vũ khí của Trung Quốc mà sẽ là mục tiêu hạn chế của một hiệp ước kiểu INF là nền tảng trong chiến lược quân sự toàn diện của Bắc Kinh và đẩy các lực lượng Mỹ vào thế nguy hiểm nếu họ chọn lựa can thiệp vào một cuộc xung đột khu vực; mặc dù các tên lửa thông thường sẽ tạo ra một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Mỹ và các đồng minh quân sự của nước này ở châu Á.

Quan trọng, vẫn có sự răn đe mạnh mẽ: Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lớn gấp 10 lần so với kho vũ khí của Trung Quốc và các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc tin rằng Mỹ vẫn là một siêu cường quân sự.

Một số nhà phân tích và quan chức Mỹ lập luận rằng Mỹ nên rút khỏi hiệp ước INF bởi vì nó ngăn cản Mỹ đối phó với các tên lửa tầm ngắn và tầm trung được đặt trên mặt đất của Trung Quốc. Giờ đây vấn đề tên lửa có thể được giải quyết.

Các hiệp ước đã trở nên lỗi thời, không có gì ngạc nhiên về thực tế đó. INF là một hiệp ước hiệu quả trong thời gian hoạt động của nó và với tính chất song phương của nó.

Hiệp ước này đã giúp giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô.

Năm 1987, loại hiệp ước này là có thể hiểu được, với mỗi bên bị mắc kẹt trong một cuộc Chiến tranh Lạnh và kiểm soát hơn 10.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Nhưng hiện giờ có nhiều quốc gia hạt nhân hơn với hệ thống phóng tốt hơn và công nghệ được cải tiến, bao gồm khả năng thu nhỏ và động cơ.

Nhìn chung, nhận thức Mỹ rời khỏi hiệp ước INF là sai lầm. Không có áp lực hết hạn, INF đã mất đi giá trị như một công cụ an ninh quốc tế.

Mối quan tâm hàng đầu của Moskva là sự ổn định chiến lược trong môi trường mới của “cuộc chiến tranh hỗn hợp.”.

Động thái của chính quyền Trump (Mỹ rời khỏi INF) có thể tạo ra một bầu không khí mới bao gồm cả các nước khác mà kho vũ khí của họ đang thay đổi nhanh chóng.

Hành động này sẽ bắt đầu cho một kỷ nguyên mới trong việc kiểm soát vũ khí bằng cách khởi động các cuộc thảo luận về cơ chế ba bên bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.