Kỷ nguyên mới trong quan hệ New Zealand-Trung Quốc?

Việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của New Zealand, có ý nghĩa rất quan trọng, giúp New Zealand đạt được các mục tiêu chiến lược.
Kỷ nguyên mới trong quan hệ New Zealand-Trung Quốc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PhD)

Trong bài viết đăng trên trang mạng eastasiaforum.org, ông Jason Young - Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand), nhận định rằng việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của New Zealand, có ý nghĩa rất quan trọng, giúp New Zealand đạt được các mục tiêu chiến lược.

Đối mặt với "những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ", quan hệ New Zealand-Trung Quốc đã bước sang một "kỷ nguyên mới." Sau đây là nội dung bài viết:

Khi sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng, Bắc Kinh đã theo đuổi các lợi ích và khẳng định thế giới quan của mình một cách quyết liệt hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết luận rằng thế giới đang trải qua "những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ," và Trung Quốc hiện là một cường quốc ở châu Á.

Chính vì vậy, việc quản lý quan hệ với Trung Quốc trong "kỷ nguyên mới" này là một thách thức khó khăn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong thế kỷ hiện nay.

Đối với New Zealand, các chính phủ kế tiếp nhau ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này vẫn luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc bằng cách truyền đạt rõ ràng ý kiến và kiên trì thực hiện các chính sách của mình.

[New Zealand-Trung Quốc thông qua việc nâng cấp FTA song phương]

Cách tiếp cận này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay, ngay cả khi xuất hiện những thách thức mới trong quan hệ giữa hai nước. Hiệu quả của cách tiếp cận này được thể hiện rõ với việc Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) New Zealand-Trung Quốc được ký kết nâng cấp vào tháng 1/2021; hai bên cũng duy trì đối thoại cấp cao và một mối quan hệ kinh tế bền vững, ổn định.

Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gần đây đã lưu ý rằng "sự khác biệt giữa các hệ thống của hai nước - và các lợi ích và giá trị định hình các hệ thống đó - đang trở nên khó dung hòa hơn."

Những khác biệt như vậy có thể làm suy yếu mối quan hệ và làm ảnh hưởng đến không gian hợp tác song phương và quốc tế hiệu quả.

Đứng đầu danh sách các thách thức là các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, cũng như mối quan tâm lâu dài về Tây Tạng, nhân quyền, truyền thông và tự do tư tưởng ở Trung Quốc. Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta tuyên bố rõ ràng rằng "một số khác biệt thách thức lợi ích và giá trị của New Zealand," và "có một số điều mà New Zealand và Trung Quốc không, không thể và sẽ không nhất trí được."

Điều này đúng với tất cả các mối quan hệ quốc tế, nhưng đã trở nên đặc biệt rõ rệt với Trung Quốc trong những năm gần đây. Bà Mahuta đã ủng hộ sự công nhận và hòa nhập của tất cả các dân tộc, bao gồm cả người bản địa và dân tộc thiểu số, nhấn mạnh đến những vấn đề này trong mối quan hệ.

Lịch sử của New Zealand đòi hỏi đây là một nguyên tắc bắt nguồn từ Hiệp ước Waitangi và các trụ cột đa văn hóa của nền dân chủ New Zealand, vốn là các nguyên tắc và giá trị làm nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước này.

Chính phủ Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi điều tra quốc tế về nhân quyền ở Tân Cương. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ quan điểm cho rằng Trung Quốc đã vi phạm cam kết quốc tế về quyền tự trị giới hạn trong 50 năm ở Hong Kong theo thỏa thuận bàn giao Trung-Anh.

Đối mặt với những bằng chứng hiện có, New Zealand không thể và không nên bỏ qua cam kết chính thức và lâu dài của mình đối với các quyền con người phổ quát và phải lên tiếng về những vấn đề này.

Chính phủ New Zealand thường tránh xa chính sách ngoại giao “to tiếng” trong hầu hết các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, bà Mahuta mới đây đã thừa nhận rằng New Zealand "cần phải lên tiếng công khai về các vấn đề" khi chúng phát sinh cũng như tìm cách theo đuổi những vấn đề này thông qua các kênh của chính phủ.

Mối quan tâm về nhân quyền là một trong những thách thức khác, bao gồm việc xác định các nhân tố đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng, các câu hỏi về luật pháp quốc tế ở Biển Đông, các cuộc tranh luận xung quanh sự can thiệp của nước ngoài và câu hỏi về hành vi của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Việc Trung Quốc "trừng phạt" Australia, đồng minh thân cận nhất của New Zealand, là một lời cảnh báo rõ ràng đối với các doanh nghiệp New Zealand rằng cán cân rủi ro và cơ hội trong mối quan hệ đã thay đổi.

Bà Mahuta tiếp tục cảnh báo điều này với các nhà xuất khẩu bằng cách đề cập đến Australia và đặt câu hỏi "phải chăng cơn bão ập tới chỉ còn là vấn đề thời gian?"

Tuyên bố chung của hai thủ tướng Australia và New Zealand ngày 31/ 5 vừa qua đã khẳng định rõ thêm quan điểm thống nhất của Australia-New Zealand về Trung Quốc và các mối quan tâm chung. Những vấn đề này dường như khó giải quyết.

Việc quản lý và kiểm soát chúng trong một môi trường quốc tế căng thẳng cũng không đơn giản. Điều nguy hiểm là các quan điểm của New Zealand đã được diễn giải một cách sai lầm, đó là chúng được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc trong khu vực.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số doanh nghiệp New Zealand có thể tiếp xúc quá nhiều với thị trường Trung Quốc. Thông điệp mà chính phủ New Zealand gửi tới các doanh nghiệp là yêu cầu họ tập trung vào khả năng chống chịu và nhắc nhở họ “thận trọng, không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ.”

Đối mặt với "‘kỷ nguyên mới" của Trung Quốc, chính phủ New Zealand đã đúng khi tuyên bố rằng không có bất kỳ sự đảm bảo nào trong mối quan hệ này, cho dù phía New Zealand có nỗ lực như thế nào để quản lý những khác biệt này và không để Trung Quốc định đoạt mối quan hệ.

Các doanh nghiệp New Zealand nên nhớ lại thời kỳ chuyển đổi khó khăn sau khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Họ cũng nên lưu ý đến kinh nghiệm của các nhà sản xuất rượu vang và nhà xuất khẩu lúa mạch của Australia, đồng thời, có thể phân tán rủi ro của mình trên các thị trường quốc tế khác nhau.

Chính phủ New Zealand đã cam kết với Trung Quốc về một "cách tiếp cận có thể dự đoán được, thông qua ngoại giao và đối thoại" và thể hiện cam kết duy trì mối quan hệ. Chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng sẽ không né tránh các vấn đề cũng như không to tiếng phẫn nộ hoặc công kích. Vì vậy, "quả bóng" đang ở bên sân của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.