Theo trang mạng atimes.com, vị thế toàn cầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã xuống mức thấp nhất trong tuần qua tại phiên khai mạc khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Lúc đó, Tổng thống Trump đã bị chế nhạo công khai khi tuyên bố rằng chính quyền của ông đã "đạt được nhiều thành tựu hơn bất cứ chính quyền nào khác trong lịch sử nước Mỹ."
Đối với ông Trump, người từ lâu đã đưa ra lập luận rằng các nước khác đang cười sau lưng nước Mỹ, đây là một bước ngoặt mới: giờ đây những nước này đã cười trực tiếp vào mặt ông!
Nếu điều đó là đáng xấu hổ đối với ông Trump, thì nó là điều đáng buồn đối với nước Mỹ, quốc gia đang chứng kiến chính quyền Trump có thể ném đi 70 năm nỗ lực của Mỹ xây dựng một trật tự thế giới tự do và ổn định.
Tệ hơn nữa, nếu trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu hiện nay mất đi, cái gì sẽ thay thế nó? Và trật tự mới liệu sẽ "tốt hơn"? Nói cách khác, nó sẽ ổn định hơn, công bằng hơn, ít thiên về xung đột giữa các quốc gia và bên trong các quốc gia hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những điều tích cực như phát triển kinh tế, thương mại và hợp tác quốc tế?
Sự cô độc của siêu cường duy nhất
Đúng vậy, Mỹ đã không đóng vai trò siêu cường vì bất cứ lý do nào xuất phát từ lòng vị tha. Tạo dựng và ủng hộ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và thúc đẩy các giá trị như thương mại tự do, dân chủ, nhân quyền và tự do hàng hải, tất cả đều mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho Mỹ. Xây dựng một "chòm sao" các liên minh phòng thủ, bao gồm NATO, ANZUS và Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Nhật Bản, và kết quả là việc biến nước Mỹ thành "sen đầm quốc tế" đã giúp tăng cường quyền lực, uy tín của Mỹ và ảnh hưởng đến trật tự thế giới hiện nay.
Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc trở thành một siêu cường, và thậm chí nhiều hơn nữa sau khi trở thành siêu cường duy nhất. Nhưng Mỹ cũng trả tiền để trở thành bá chủ. Họ thanh toán hầu hết các phiếu chi để duy trì trật tự quốc tế như hiện nay, bao gồm trả phần chi phí đóng góp lớn nhất cho các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc và IMF.
[Học thuyết Trump qua bài phát biểu đặc biệt tại Liên hợp quốc]
Về mặt quân sự, Mỹ cũng chi trả hầu hết các hóa đơn và thường đóng góp phần lớn nhân sự cho các liên minh và các hoạt động quân sự do Mỹ dẫn đầu, và Mỹ phải chấp nhận việc nhiều quốc gia sẽ được Mỹ đảm bảo an ninh mà không tốn một xu nào.
Khá đơn giản, một bá chủ thế giới đôi khi phải đóng vai "kẻ ngốc nghếch" bởi vì điều đó tạo ra trật tự quốc tế ổn định. Nói cách khác, đó là một công việc bạc bẽo, nhưng phải có ai đó đứng ra đảm nhận.
Nhưng nếu Mỹ không muốn trở thành bá chủ nữa thì sao? Ai sẽ tiếp quản?
Một ứng viên có khả năng là Trung Quốc. Tất nhiên, Bắc Kinh đã làm hầu hết mọi điều có thể trong thập kỷ qua để làm suy yếu quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ, ít nhất là ở châu Á. Hơn nữa, theo những đánh giá đa chiều, Trung Quốc đang cố gắng làm giảm bớt sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Thực ra, có thể nói, hãy để người (hoặc quốc gia) giỏi nhất chiến thắng. Nhưng liệu thế giới có muốn Trung Quốc thay thế Mỹ?
Trong chương trình truyền hình "The Office" của Mỹ, người dẫn chương trình Michael Scott từng nói: "Tôi thích được (mọi người) nể sợ hay được yêu mến hơn ư? Cả hai. Tôi muốn mọi người sợ bởi thích tôi." Phải, Trung Quốc có rất ít bạn bè và thậm chí còn ít đồng minh hơn. Ngay cả ở châu Á, có những lo ngại nghiêm trọng về các động cơ đen tối hơn đằng sau các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Hãy nhìn vào hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bất chấp tất cả các luật quốc tế và quy định đã được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và bất chấp các phán quyết của các tòa án quốc tế, Bắc Kinh đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa các đảo này và ngang ngược tuyên bố đó là các thực thể có chủ quyền của Trung Quốc. Và họ đã xoay sở khá tốt với nó, tạo ra một sự kiểm soát trên thực tế (dù không được công nhận) và quyền sở hữu đối với hầu hết Biển Đông.
Chủ nghĩa đa phương là câu trả lời?
Có khả năng một số quốc gia mong muốn một trật tự quốc tế với Trung Quốc (hoặc Nga) là trung tâm. Vậy, phải chăng một trật tự thế giới đa phương mới sắp hình thành?
Vấn đề với chủ nghĩa đa phương là nó đã không được chứng minh là rất hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ sự ổn định và hòa bình quốc tế. Một cấu trúc an ninh châu Âu được xây dựng xung quanh 6 (hoặc ít hơn) cường quốc khu vực ngang nhau (Anh, Pháp, Đức, Nga, Áo-Hungary, và Italy) đã không ngăn chặn được Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Và Hội quốc liên cũng không làm được gì nhiều để ngăn chặn Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Chủ nghĩa đa phương có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện thích hợp. Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy rằng, ít nhất từ năm 1945, một trật tự quốc tế với một nước là bá chủ dường như hoạt động có hiệu quả - dù không hoàn hảo, đó là điều chắc chắn, nhưng vẫn khả dĩ hơn so với hầu hết các lựa chọn thay thế.
Nếu không phải là Mỹ, thì ai?
Như Tổng thống Reagan từng nói về siêu cường Mỹ, "Nếu không phải chúng ta thì là ai?"
Mỹ không được mọi người yêu mến, nhưng dường như họ có nhiều đối tác và đồng minh thực thụ (đúng ra là bạn bè vụ lợi) hơn hầu hết các cường quốc lớn khác. Điều đáng lo ngại hơn là sự bất định mà thế giới sẽ phải đối mặt nếu trật tự quốc tế tự do hiện nay đổ vỡ.
Sự coi thường của ông Trump đối với trật tự quốc tế hiện nay không cứu giúp được gì, và tiếng cười nhạo mà ông gây ra ở Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng vậy./.