Kỷ niệm 210 năm lỵ sở Quảng Trị và 30 năm lập lại thị xã Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thị xã Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, chiều sâu về văn hóa và truyền thống cách mạng, lòng yêu nước hào hùng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Tối 13/9, tại Quảng trường giải phóng bờ Nam sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ kỷ niệm 210 năm lỵ sở Quảng Trị (1809-2019), 30 năm lập lại thị xã Quảng Trị (9/1989-9/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thị xã Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, chiều sâu về văn hóa và truyền thống cách mạng, lòng yêu nước hào hùng.

[Vun đắp khát vọng hòa bình trên 'vùng đất lửa' Quảng Trị]

Phát huy truyền thống yêu nước, hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các thế mạnh khác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị đã đạt được thành tựu toàn diện về phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, kinh tế luôn tăng tưởng khá; lĩnh vực dịch vụ, thương mại tăng bình quân 20%/năm và chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nhiều hoạt động về nguồn được thị xã Quảng Trị tổ chức rất ý nghĩa, qua đó đón nhân dân cả nước về tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị thời gian tới, thị xã Quảng Trị cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị biểu tượng của hòa bình.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm cũng đã diễn ra Chương trình nghệ thuật "Thành cổ Quảng Trị - Khát vọng hòa bình" gây xúc động đối với các đại biểu và đông đảo nhân dân.

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Chương trình gồm nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật và các phóng sự minh họa, nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của lỵ sở Quảng Trị trong lịch sử 210 năm hình thành, xây dựng, phát triển; chiến tích hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, đặc biệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972 với những ca khúc như "Có những tuổi 20," "Cỏ non Thành cổ"...

Năm 1801, Nguyễn Ánh tiến chiếm Phú Xuân rồi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Gia Long. Sau đó vua Gia Long lập dinh Quảng Trị bao gồm các huyện Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh và đạo Cam Lộ.

Dinh lỵ Quảng Trị đóng tại làng Tiền Kiên thuộc huyện Đăng Xương. Năm 1809, Dinh lỵ Quảng Trị dời từ Tiền Kiên tới đóng tại xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, tức vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay và tiến hành xây thành, đắp lũy cố định. Ban đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thành được xây dựng bằng gạch nung.

Trong suốt tiến trình phát triển, thị xã Quảng Trị gắn với những chiến công hào hùng, nhất là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu biểu nhất là cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào sử sách của dân tộc và thế giới.

Trong 81 ngày đêm (28/6/1972-16/9/1972) mảnh đất vẻn vẹn 6km2 đã hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ (tương đương với sức công phá của bảy quả bom nguyên tử mà Mỹ đã từng thả xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945 trong Thế chiến thứ 2).

Sau khi tỉnh Quảng Trị tái lập ngày 1/7/1989, ngày 16/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định thành lập thị xã Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005 và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục