Long trọng tổ chức Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Quảng Trị

Lễ thượng cờ là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội "Thống nhất non sông" do Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Long trọng tổ chức Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Quảng Trị ảnh 1Lễ hội Thống nhất non sông năm 2018. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Sáng 30/4, Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” đã diễn ra long trọng tại kỳ đài Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Lễ thượng cờ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019); 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2019), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự kiện vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam Bắc; 47 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2019).

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội "Thống nhất non sông" do Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức.

Tham dự Lễ thượng cờ có ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các Mẹ Việt Nam anh hùng cùng đông đảo tướng lĩnh, cựu chiến binh, người dân và du khách.

[Vang mãi Khát vọng thống nhất bên bờ Hiền Lương-Bến Hải]

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng hàng vạn người dân đã kính cẩn nghiêng mình trong khoảnh khắc thiêng liêng khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo dần lên trên kỳ đài Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.

Chính nơi đây, lịch sử mãi mãi khắc ghi sau Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20/7/1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách.

Dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc.

Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất.

Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng," biến Quảng Trị trở thành vùng "đất lửa."

Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã bất khuất, kiên cường anh dũng bám trụ, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.

Trong diễn văn phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh 47 năm sau ngày Quảng Trị được giải phóng, 44 năm sau ngày thống nhất hoàn toàn đất nước, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong 2 năm liên tiếp 2017-2018, tỉnh đã hoàn thành và vượt 100% các chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người đều tăng khá.

Hiện nay, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, ngày càng đi vào chiều sâu. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá…

Những thành quả trên chính là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, thử thách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương Quảng Trị anh hùng.

Ngay sau Lễ thượng cờ, các đại biểu và đông đảo người dân trên địa bàn đã tham dự Hội Bài chòi tại bờ Nam Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Lễ hội Đua thuyền trên dòng sông Bến Hải.

Trong khuôn khổ Lễ hội "Thống nhất non sông", tỉnh Quảng Trị cũng khánh thành công trình “Bảo tồn, tôn tạo bờ Nam Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải” với tổng số tiền đầu tư 15 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng hỗ trợ.

Công trình này góp phần chỉnh trang các hạng mục bờ Nam di tích, phục chế những chứng tích lịch sử sống động trong thời gian đất nước bị chia cắt, qua đó, nâng tầm giá trị lịch sử cuộc đấu tranh bền bỉ của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến cứu nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.

Nhân dịp này, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục