Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi theo 2 đợt

Đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày 7 và ngày 8/7, dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, thực hiện cách ly, không thuộc nhóm mắc COVID-19, các trường hợp F1, F2.
Học sinh ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các phương án, mới đây, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 trên địa bàn với 2 đợt theo lịch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 7 và ngày 8/7, các thí sinh của thành phố sẽ dự thi đợt 1. Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, chuẩn bị nhiều phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi

 Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại Thành phố hồ Chí Minh có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi. Thành phố tổ chức 155 điểm thi với 4.134 phòng thi; huy động gần 20.000 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tham gia công tác tổ chức kỳ thi.

Đợt 1 của kỳ thi diễn ra ngày 7 và ngày 8/7, dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, thực hiện cách ly, không thuộc nhóm mắc COVID-19, các trường hợp F1, F2. Đặc biệt, để được dự thi đợt 1, các thí sinh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi thi.

Theo thống kê, đến ngày 1/7, thành phố có khoảng 200 thí sinh mắc COVID-19, trường hợp F1, F2 và 991 thí sinh trong khu phong tỏa.

Từ nay đến ngày thi, ngành y tế thành phố sẽ cập nhật thường xuyên danh sách cán bộ, giáo viên, thí sinh thuộc các diện mắc bệnh, các trường hợp F1, F2, đang thực hiện cách ly để ngành giáo dục và đào tạo chủ động công tác ứng phó.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh trên tinh thần tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để kỳ thi diễn ra thành công; có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành y tế, giáo dục, công an, tiao thông, các tổ chức đoàn-hội, chính quyền của các quận, huyện…

Theo kế hoạch, tại mỗi điểm thi, thành phố bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng, mỗi quận, huyện có 1-3 điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi, ngành diáo dục và dào tạo thành phố bố trí từ 6-9 cán bộ, giáo viên dự phòng.

Trước kỳ thi, thành phố tổ chức xét nghiệm cho hơn 100.000 người gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh dự thi vào ngày 3/7. Kết quả sẽ được trả về trong ngày 4-5/7.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trong tình hình tăng cường phòng, chống dịch.

Trong ngày thi, các điểm thi không tổ chức khai mạc kỳ thi mà hướng dẫn quy chế thi, kiểm tra thông tin thí sinh tại phòng thi. Đặc biệt, cần có phương án bố trí để người nhà đưa, đón thí sinh không tập trung đông xung quanh điểm thi.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 4.700 thí sinh ở các tỉnh, thành phố khác đang học.

[Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn]

Để đảm bảo an toàn cho các thí sinh tham gia dự thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, các trường có thí sinh ở các địa phương khác và có tổ chức nội trú có thể cho thí sinh trú tại trường hoặc nơi tổ chức nội trú.

Tuy nhiên, nhà trường phải xây dựng phương án an toàn phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách theo đúng quy định.

Thí sinh ở các địa phương có thể được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nơi cư trú, khi đến điểm thi phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành nơi cư trú, để làm các thủ tục dự thi.

Ổn định tâm lý thí sinh

Theo các chuyên gia, lúc này, cả thí sinh và phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý tốt, không nên đặt mục tiêu đạt thành thích quá cao ở kỳ thi này để phần nào giảm bớt áp lực cho các em.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, cho rằng với việc đa dạng phương thức tuyển sinh như hiện nay thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ là một trong nhiều căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Mặt khác, hệ thống đào tạo hiện nay rộng mở cho học sinh rất nhiều hướng lựa chọn. Bậc đại học thì có trường công lập, ngoài công lập. Bên cạnh đại học, các em có thể chọn theo học giáo dục nghề nghiệp với đủ cấp bậc, từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với hệ thống ngành nghề ngày càng hoàn thiện hơn.

Vì thế, các bậc phụ huynh không nên đặt nặng thành tích thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo thêm áp lực thi cử cho các em.

Tiến sỹ tâm lý Đào Lê Hòa An thuộc Trung tâm Ứng dụng hướng nghiệp 4.0 Jobway khuyên trước ngày thi một tuần, các thí sinh nên chú ý nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe, cân bằng việc học, nghỉ ngơi, giải trí để có sức khỏe, tinh thần tốt, tự tin dự thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục