Ngày 20/1, phát biểu tại Hội thảo kỳ tích 108 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đón nhận Chứng nhận thành viên của Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong lĩnh vực ghép mô, bộ phận cơ thể người. Đồng thời khẳng định trình độ chuyên môn, chất lượng của đội ngũ thầy thuốc, nhà khoa học bệnh viện.”
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và Vương quốc Anh.
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay cả nước có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 300 bệnh nhân.
Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 108 ca ghép, trở thành Trung tâm ghép gan lớn nhất và cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước với 105 ca.
Bệnh viện làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.
[Bệnh viện 108 thực hiện thành công 5 ca ghép gan trong 1 tuần]
Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau như ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt.
Đặc biệt, tháng 12/2020, bệnh viện đã đồng thời triển khai 5 ca ghép gan trong 1 tuần. Ngày 17/8/2021, bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cứu sống bé gái 18 tháng tuổi bị u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi, trở thành ca ghép gan đầu tiên cho trẻ em bị ung thư gan được tiến hành tại Việt Nam.
Tính đến ngày 20/1/2021, bệnh viện đã ký hợp tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho 5 bệnh viện tuyến Trung ương.
Tháng 11/2021 bệnh viện ghi dấu sự triển vượt bậc trên bản đồ ghép tạng khi lấy mảnh ghép gan (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công, là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị, dụng cụ, máy móc đồng bộ. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Từ ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017, đến nay, sau 4 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người,” Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 300 ca ghép (110 ca ghép thận, 108 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 132 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép tủy, 2 ca ghép chi thể…).
Các ca ghép được thực hiện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.
Bệnh viện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các trung tâm ghép tạng và các bệnh viện trong cả nước nhằm tìm kiếm kịp thời nguồn tạng ghép cho các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép.
“Hiện nay, mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 -150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta,” Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết.
Với những thành tựu đạt được, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh cấp chứng nhận là thành viên chính thức.
Đánh giá cao những nỗ lực của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, đặc biệt là ghép gan thời gian qua, Thượng tướng Vũ Hải Sản lưu ý bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn nữa các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trong tình hình mới.
Đồng thời, Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất triển khai xây dựng trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tính nhân văn của hoạt động hiến tạng.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mong muốn, thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người với trình độ ngang tầm một số nước có nền y học phát triển trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
Dịp này, nhiều cá nhân, tập thể có thành tích trong triển khai, bảo đảm và thực hiện thành công 108 ca ghép gan tại bệnh viện giai đoạn 2017-2021 đã được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen./.