Thành lập đến nay đã 75 năm, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước, là hãng thông tấn quốc gia mạnh trong khu vực.
Đã có lớp lớp phóng viên TTXVN có mặt trên mọi miền đất nước, mọi thời kỳ cách mạng nhưng GP10 là lớp phóng viên đặc biệt - "Phóng viên chiến trường," xứng đáng là một danh hiệu, góp phần làm rạng danh lịch sử vẻ vang của TTXVN (GP10: Giải Phóng - khóa 10). Đây là lớp phóng viên được đào tạo cho trận đánh cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1972, chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, lớp phóng viên GP10 với gần 150 sinh viên ưu tú được tuyển chọn từ hơn 1.000 sinh viên của ba trường đại học: Tổng hợp Hà Nội, Ngoại ngữ, Ngoại giao về TTXVN để đào tạo nghiệp vụ tại địa điểm sơ tán xã Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội), tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, rải đều khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Những phóng viên GP10 lúc đó, tuổi đời ngoài 20 tràn đầy sức sống, không hề so đo tính toán cá nhân, biết là gian khổ, hy sinh nhưng sẵn sàng tự nguyện lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam trong giai đoạn quyết liệt, quyết định nhất.
Không quản ngại gian khổ hy sinh, không một ngày ngơi nghỉ sau khi rời giảng đường đại học, họ đã bước ngay vào cuộc chiến đấu với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt."
[Những phóng viên TTXVN từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử]
Ngày 16/3/1973, đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên của các phóng viên GP10 - ngày rời miền Bắc thân yêu với cây bút, quyển sổ và máy ảnh trên tay, lên đường ra mặt trận đối mặt với sự hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.
Lớp phóng viên GP10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nay nghỉ hưu, đều ở tuổi U70 và U80.
Ngược dòng thời gian, mỗi người lính, phóng viên GP10 ấy, có những câu chuyện riêng về cuộc đời, về tình bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, tình yêu đôi lứa...
Đồng nghiệp đã khuất luôn trong tim người đang sống
Với nhà báo Đoàn Việt, nguyên Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Bà Rịa-Vũng Tàu, dấu ấn không thể quên được đó là chuyến xe định mệnh, khiến những người bạn, người đồng nghiệp của ông phải nằm lại tại ngã ba Đông Dương. Đã 47 năm trôi qua, ký ức về ngày đau buồn ấy vẫn như hiển hiện trước mắt ông.
Nhà báo Đoàn Việt nhớ lại: "Xe của chúng tôi đang vượt Trường Sơn để vào Nam bất ngờ bị đổ gần thị xã Mường Mày của tỉnh Attapeu trên đất bạn Lào vào lúc 10 giờ ngày 2/4/1973. Trước đó, vào 7 giờ, chúng tôi phải vội vã thu xếp võng, ăn cơm (do anh em trong các tiểu đội dậy sớm nấu), rời xa rừng Nắng, tỉnh Salavan để lên xe ôtô, tiếp tục vào Nam. Trên những chiếc xe tải Zil mui trần, chúng tôi để balô ở dưới sàn, ngồi lên trên cho đỡ xóc."
"Vượt qua những khu rừng rậm và cả những chỗ được anh em giao liên dùng hoa phong lan kết lại trên các cành cây ngang đường để ngụy trang, mấy chị em thường khẽ xuýt xoa, chỉ cho nhau xem những cảnh hoa đẹp!"
"Chúng tôi ngồi lắc lư theo xe như trong một 'dàn nhạc' mà người nhạc trưởng là người đứng ở đầu xe thỉnh thoảng hô lên: 'ghé đầu sang trái, sang phải' hay 'cúi xuống' để tránh những cành cây hai bên đường. Tháng Ba Tây Nguyên trời nắng, ngồi trên xe lắc lư, càng về trưa, chúng tôi càng buồn ngủ."
Thật đáng tiếc, khi xe ôtô đi quá nhanh, lái xe phanh gấp bị đổ ở đoạn đường bằng phẳng, cho dù đường chỉ được cấp phối bằng đá dăm bazan.
Tính đến ngày xe đổ, đoàn đã rời Hà Nội được 17 ngày, vượt qua hơn 1.000 cây số, phần lớn là đường rừng, núi cao, suối sâu, cua gấp và có những đoạn đường một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm chỉ thấy lờ mờ những ngọn cây, còn giữa đường là hố bom thù mới được anh chị em thanh niên xung phong lấp vội!
Sau khi xe đổ, một số anh em bị thương nhẹ tỉnh lại, đã lao vào sơ cứu đưa anh em vào những bóng cây râm mát bên đường.
Chú Bang (khi đó 49 tuổi quê ở Bến Tre tập kết, cán bộ ngành Công nghiệp) và Oanh (Liệt sỹ Phạm Thị Kim Oanh) mất tại chỗ, Thuyên (Liệt sỹ Trần Viết Thuyên) bị dập phổi được đưa về Trạm Quân y 78 cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Những người ngồi trên xe đổ bị thương được về điều trị tại Trạm Quân y 78. Một người bị thương nặng sau khi điều trị được trở ra Bắc.
Những người bị thương nhẹ được chữa khỏi tiếp tục hành quân theo giao liên về cứ của Thông tấn xã Giải Phóng.
Thật đau buồn khi mất đi những người bạn: Trần Viết Thuyên, quê Hà Tĩnh, bạn học của tôi ở cùng Khoa Sử khóa 13 (1968-1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội và Phạm Thị Kim Oanh, quê Thái Nguyên, sinh viên Khoa Hóa (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Đó là những nhà báo trẻ hy sinh khi chưa vào tới miền Nam mà trong lá đơn các bạn đều viết: "Tình nguyện đi B."
Nhà báo Đoàn Việt xúc động nói họ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vì sự nghiệp Thông tấn xã, để lại nỗi tiếc thương cho bao người thân thiết...
[Tự hào là người phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng]
Kỷ niệm sâu sắc đối với Nhà báo Đoàn Việt còn là về những "từ mẫu" ở Trạm Quân y 78.
Ông chia sẻ: "Đến 20 giờ ngày 2/4, anh em trong trạm giao liên 79 dùng võng khiêng những người bị thương nặng, trong đó có tôi xuống xuồng, chở xuôi theo dòng sông Sekong xuống Trạm quân y 78. Để chăm sóc người bệnh, liên tục mấy đêm liền, các y, bác sỹ nơi đây không được ngủ, nghỉ. Mỗi khi chúng tôi thức dậy, đều có y bác sỹ ở bên chăm sóc. Các cô y tá làm công việc của hộ lý không chút phàn nàn, từ việc giặt quần áo, cho bệnh nhân ăn, đến việc gánh nước, quét dọn trạm..."
"Một tuần sau, những người bị thương nặng được chuyển xuống Bệnh xá 83 (ở khu vực ngã 3 Đông Dương), còn anh em bị nhẹ sẽ ở lại, tiếp tục lên đường đi tiếp. Dù bị thương nặng nhưng ngày 2/5/1973, tôi đã xin Giám đốc Bệnh xá được cùng các đồng đội hành quân tiếp vào Nam."
Chiến tranh đã lùi xa, nhiều phóng viên chiến trường GP10 vẫn bị di chứng của chất độc da cam/dioxin, sốt rét ác tính trong chiến khu, bưng biền trước đây vẫn bám đuổi dai dẳng, tái phát hành hạ.
Trong số phóng viên của Lớp GP10, đến nay, 21 thành viên đã về với ông bà tổ tiên, trong đó có hai liệt sỹ.
"Dù đã đi xa nhưng hình bóng họ còn mãi trong tim chúng tôi như những đồng nghiệp cùng vượt Trường Sơn năm xưa đi cứu nước," nhà báo Đoàn Việt chia sẻ.
Nữ phóng viên nơi chiến trường
Sau những ngày học tập khẩn trương, thế rồi balô trên vai, các phóng viên GP10 và các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh hành quân vượt Trường Sơn với những ngày đói cơm, thiếu rau, lạt muối, trên đầu máy bay kẻ thù ngày đêm quần đảo dội bom nhưng không một ai nản chí, vẫn tiến ra mặt trận với khí thế "Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước."
Nhà báo Đinh Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng Phòng Biên tập Tổng hợp, Ban Biên tập tin Trong nước của TTXVN, nhớ lại: "Không như các nam sinh, các nữ sinh viên được tuyển chọn về VNTTX ngày ấy nếu có lý do như vướng chuyện gia đình, có người yêu... sẽ không cần phải ra mặt trận. Thế nhưng, chúng tôi không một chút đắn đo, sẵn sàng làm "phóng viên chiến trường," góp sức nhỏ bé cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước."
Nhà báo Đinh Thị Minh Huệ kể: "Đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh huyền thoại thử thách ý chí, bản lĩnh của mỗi con người. Dù trên đường hành quân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Với chiếc balô nặng trĩu trên vai, đôi dép cao su và chiếc gậy Trường Sơn, tôi và đồng đội đã đi bộ ngày này qua ngày khác, càng đi càng dẻo dai, bền chí hơn."
"Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó, thì chưa hiểu mình" - Vừa trải qua những ngày hành quân với nắng như đổ lửa trên đầu cuối mùa khô ở Đông Trường Sơn nhưng mấy ngày sau lại phải dầm mình dưới những trận mưa tầm tã không dứt vào đầu mùa mưa ở Tây Trường Sơn. Ban đêm rét run, lại thêm vắt, muỗi rừng hành hạ. Dọc đường hành quân, nhất là vào những ngày mưa, những con rắn, rết to tướng bị những đoàn người đi trước đánh chết nhiều vô số kể."
"Trên đường hành quân thiếu rau xanh, dọc đường ai hái lá được mấy lá bứa non để lúc dừng chân nghỉ nấu canh (chỉ có lá bứa non với muối và ít hạt mì chính) lùa cơm vào bụng lấy sức tiếp tục cuộc hành quân đã là may mắn lắm rồi."
"Nhưng nỗi khổ nhất đối với bọn con gái chúng tôi là thiếu nước. Mọi người hãy hình dung cả ngày đi tất kín chân, đến chỗ nghỉ chân mới cởi tất ra và cứ thế leo lên võng ngủ, để còn lấy sức ngày mai tiếp tục cuộc hành trình, phải tiết kiệm từng lon nước đánh răng, rửa mặt, chứ nói gì đến tắm."
Hai kỷ niệm đến nay Nhà báo Minh Huệ không thể nào quên. Câu chuyện đầu tiên là cứ đến chặng dừng chân nghỉ, anh em trong đoàn đều nhường chị em vào mắc võng giữa đội hình, còn các anh vây xung quanh, nói đùa mà là thật "để bảo vệ chị em khỏi những điều bất trắc." Tình đồng đội trong chiến tranh là vậy.
Kỷ niệm thứ hai là một buổi sáng hành quân trên đất Campuchia, đang hành quân cuối mùa khô mệt bở hơi tai, bỗng trước mắt cả đoàn là một cánh rừng mặt đất phẳng lì, mọc đầy hoa, bên trên là bạt ngàn những cây khộp khô khốc, trụi lá.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người bỏ balo và nằm xoài trên bãi cỏ hoa ấy, mặc cho tiếng máy bay OV10 trinh sát quần thảo trên đầu. Chỉ đến khi giao liên hô to báo hiệu, mọi người mới choàng tỉnh, bật dậy khoác balo và chạy thật nhanh.
Khi đến được Thông tấn xã Giải Phóng tại R (Chiến khu tại biên giới Tây Ninh), việc đầu tiên là chặt cây cù đèn, hái lá trung quân, đào hầm để làm lán ở, sau đó lại tiếp tục chặt đèn cù về bóc vỏ làm giường nằm và bàn để viết.
Một ngôi lán có mái lá trung quân, hầm trú ẩn bên dưới, giường nằm và bàn viết bên trên, xung quanh được quây bằng những tấm ni lông, đủ cho các phóng viên sống, làm việc và khi cần có thể chiến đấu.
Dưới tán lá trung quân ấy, những người phóng viên chiến trường như bà Minh Huệ vừa tham gia công tác phóng viên, biên tập viên, vừa tham gia tải gạo, làm rẫy, sàng sẩy gạo. Cuộc sống dù thiếu thốn, gian khó nhưng không ai nề hà, kêu ca.
Giữa năm 1974, Nhà báo Đinh Thị Minh Huệ được phân công đi làm phóng viên tại cùng Đồng Tháp Mười của Long An. Khi chiến tranh kết thúc, bà lại trong đoàn quân về giải phóng và tiếp quản Sài Gòn...
Nhà báo Đinh Thị Minh Huệ cho rằng khi được chọn vào lớp phóng viên GP10 đó chính là định mệnh. Tại đây, bà đã tìm thấy "một nửa" của mình (Nhà báo Hoàng Đức Quỳnh - lớp GP10, nguyên phóng viên Ban biên tập Ảnh, TTXVN), trở thành thành viên của đại gia đình TTXVN.
"Với tôi, ký ức về con đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những năm tháng ở Thông tấn xã giải phóng tuy vất vả nhưng vui vẻ, tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình yêu... mãi là hình ảnh thân thương, nhắc về một thời tuổi trẻ," nhà báo Minh Huệ chia sẻ.
Lớp GP10 có 16 nữ phóng viên (trong đó có nữ liệt sỹ Phạm Thị Kim Oanh) đã cùng các đồng nghiệp nam vượt qua bao thử thách trên đường Trường Sơn, về khắp các mặt trận Trung và Nam Bộ, làm việc dưới mưa bom bão đạn, muỗi vắt rừng già…, kịp thời cung cấp thông tin chiến trường tới đồng bào, chiến sỹ cả nước và bè bạn năm châu.
Nơi tình yêu đơm hoa kết trái
Ở giữa chiến trường, bom đạn quân thù và những khó khăn chẳng hề chi, tình bạn, tình yêu đôi lứa được thử thách càng thêm bền chặt.
Là đám cưới đầu tiên của lớp GP10 tại Thông tấn xã Giải Phóng, đến nay đã 47 năm, tình cảm của nhà báo Vương Nghĩa Đàn, nguyên phóng viên báo Le Courrier du Vietnam, và chồng là ông Vũ Long Sơn, nguyên phóng viên Ảnh của TTXVN vẫn bền chặt. Với hai ông bà, tình yêu trải qua khó khăn, thử thách sẽ càng được nhân lên, vững bền.
Nhà báo Vương Nghĩa Đàn chia sẻ: "Quen nhau qua Lớp đào tạo phóng viên GP10, anh Sơn bên Ảnh, còn tôi làm bên Tin. Khi yêu nhau phải giữ bí mật vì nếu có người yêu sẽ không được ra mặt trận. Trên đường ra mặt trận, khi đi qua Vinh, đến gần Bến Thủy, xe của tôi bị đổ nên phải ở lại một tuần; các xe khác vẫn tiếp tục lên đường. Bắt đầu từ đó, tình yêu xa cách bên Đông, bên Tây. Trên đường hành quân, tôi thường nhận được thư anh gửi qua những người thương binh đi ngược ra Bắc. Chỉ đến khi anh bị sốt rét, phải nằm lại ở trạm quân y dã chiến, đoàn tôi đến nơi rồi cả hai mới được đi cùng nhau."
Lúc đó, GP10 có rất nhiều đôi lứa, như Nguyễn Thị Thanh và Khuất Dũng (phóng viên tin), Minh Huệ và Đức Quỳnh (phóng viên ảnh), Bạch Yến và Khắc Điện (phóng viên tin)... Tình yêu của chúng tôi đều rất sâu đậm, nặng thêm cả nghĩa tình đồng đội nơi khói lửa ác liệt. Cánh rừng già miền biên giới Campuchia ấy hẳn tự hào lắm vì đã ươm mầm cho biết bao mối tình nảy nở, đâm hoa kết trái, nhà báo Vương Nghĩa Đàn xúc động nhớ lại.
Sau ba tháng đến Thông tấn xã Giải Phóng, ổn định cuộc sống trong cứ, được sự đồng ý của cơ quan, ngày 16/9/1973, đám cưới của hai Nhà báo Vương Nghĩa Đàn-Vũ Long Sơn được tổ chức. Đó là đám cưới đầu tiên của lớp GP10 trong rừng. Rồi người nào lại làm nhiệm vụ của người đó.
Nhà báo Vương Nghĩa Đàn chủ yếu làm nhiệm vụ nhận thông tin từ các mặt trận, tổng hợp, biên tập, còn nhà báo Vũ Long Sơn đi theo các đơn vị bộ đội chiến đấu để chụp ảnh lấy tư liệu.
Hơn một năm sau, hạnh phúc của họ được nhân lên khi em bé ra đời giữa cánh rừng già trong căn cứ ở R của Thông tấn xã Giải Phóng tại Tân Biên-Tây Ninh.
Mọi việc vẫn diễn ra đều đặn như thế, bà vẫn làm công việc biên tập tin hàng ngày còn ông theo các đoàn quân đi hành quân, có khi đến 2-3 tháng sau mới về.
Nhà báo Vương Nghĩa Đàn kể: "Hồi đó, liên lạc không thông suốt như bây giờ nên anh Sơn cứ đi là không biết tin tức gì, chỉ khi về mới biết là còn sống. Trong quá trình nuôi em bé, hàng ngày, tôi vẫn đi làm rẫy, tải gạo cùng mọi người..., ngơi một tí lại quay về chăm em bé. Em bé rất hạnh phúc vì có nhiều bố mẹ. Ở đó, mọi người sống với nhau như một gia đình."
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tình yêu của vợ chồng nhà báo Vương Nghĩa Đàn đó là khi nhà báo Vũ Long Sơn theo chân một đơn vị đặc công tham gia trận Bầu Nâu, rồi lại về đơn vị pháo binh phía bên kia núi Bà Đen (Tây Ninh). Thỉnh thoảng có người đi về, bà lại nhận được lá thư be bé của chồng viết vội: "Anh vẫn khỏe."
"Đến ngày 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn rồi, anh Sơn vẫn không về và đến 10 ngày sau vẫn không thấy anh. Lúc đó, ruột gan tôi rối bời. Mọi người xung quanh cũng rất quan tâm nhưng không ai dám nói gì, kể cả tôi cũng đã nghĩ có lẽ anh không về nữa," giọng nhà báo Vương Nghĩa Đàn trùng xuống.
Thế nhưng hơn nửa tháng sau, nhà báo Vũ Long Sơn về, đen nhẻm, mang theo một ba lô đầy phim đã chụp.
"Theo lời anh kể, sau ngày 30/4, anh lại tiếp tục theo xe đò đi từ Sài Gòn, xuyên suốt Đồng bằng Sông Cửu Long đến tận mũi Cà Mau để chụp ảnh không khí chào mừng giải phóng, rồi mới quay về. Lúc đó, trong lòng tôi mới thực sự thấy trong chiến thắng của dân tộc, mình cũng đã chiến thắng," nhà báo Vương Nghĩa Đàn bồi hồi nhớ lại.
Ở giữa chiến trường, bom đạn quân thù và những khó khăn thiếu thốn vẫn chẳng hề chi, tình bạn, tình yêu đôi lứa được thử thách gian khổ vẫn luôn bền chặt. Mãi mãi, tình yêu và cuộc đời thật đẹp./.