Ông Trương Đức Anh: Chiến trường là cuộc thử thách bản lĩnh nhà báo

Với nhà báo Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, những ngày tháng tác nghiệp nơi chiến trường Quảng Trị năm 1972 thực sự vẫn luôn là quãng thời gian đáng nhớ và đáng sống.
Nhà báo Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Nhà báo Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Trong cuộc đời nghề nghiệp, dù đã từng ở cương vị Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhưng với nhà báo Trương Đức Anh những ngày tháng tác nghiệp nơi chiến trường Quảng Trị năm 1972 thực sự vẫn luôn là quãng thời gian đáng nhớ và đáng sống.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, cuộc trò chuyện với người phóng viên chiến trường năm xưa đầy ắp kỷ niệm và hồi ức. Với những phóng viên trẻ như chúng tôi, đây thực sự là một may mắn.

Hãy nhìn về miền Bắc và nhớ đến Bác Hồ

Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn cảm nhận được sự hào sảng trong câu chuyện ông kể về một thời khói lửa. Mạch chuyện bắt đầu từ chiến trường ác liệt của những năm 1972, khi ông và nhà báo Vũ Tạo được cử về Sư đoàn 304, tức Sư đoàn Vinh Quang - đơn vị kết nghĩa với Việt Nam Thông Tấn xã) đi sâu vào sát các căn cứ của địch để chuẩn bị chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Cuộc "hành quân" ấy của ông được kể lại đầy tự hào, vừa là cảm xúc của chàng thanh niên ở tuổi 27 ngày ấy, vừa pha chút hoài niệm của một nhà báo từng trải hôm nay.

Nhà báo Trương Đức Anh chia sẻ với chiếc balô nặng trĩu, ruột tượng gạo khoác ngang vai và lỉnh kỉnh súng ngắn, dao găm, mặt nạ phòng độc, lựu đạn, hăng gô, biđông nước, vai khóa chiếc sắc cốt đựng tài liệu..., chúng tôi vượt núi băng rừng trèo đèo, lội suối, lúc nắng, lúc mưa. Đêm thì gió rét, muỗi đốt. Ngày thì nắng gắt gay. Trên trời máy bay địch quần đảo. Dưới đất, pháo bầy nổ ầm ầm trước mặt, sau lưng; thám báo và biệt kích địch rình rập. Có khi vừa qua một khu đồi được ít phút, ngoảnh lại đã thấy bom tọa độ và pháo bầy chụp xuống...

Trong không gian ấy, người phóng viên "chân ướt, chân ráo" lao vào đạn lửa, nhỏ bé nhất đoàn, vừa mang vác đồ đạc, chạy theo đoàn quân, vừa "bật" tất cả các giác quan để "ghi lại" không khí, diễn biến trận đánh vừa phải giữ mình an toàn thực sự không hề dễ dàng. Thậm chí, cứ mỗi đoạn đường đi qua, mỗi lúc một nguy hiểm, để theo kịp đơn vị, ông đã để lại màn, phim thì tháo bỏ hết hộp giấy, thậm chí chiếc bàn chải đánh răng cũng bẻ gẫy cán ném đi, để bớt phần nào nhẹ phần ấy.

Nhà báo Trương Đức Anh nhớ lại mắt ông cận thị tới gần 3 điốp, đeo chiếc kính đã buộc dây chun bám theo bộ đội. Lúc chạy, lúc nằm xuống theo ám hiệu của người chỉ huy đơn vị, có lúc ngã sấp lại vùng dậy chạy cho kịp mũi tiến công, chỉ sợ bị rớt lại.

Cảm giác "chỉ sợ bị rớt lại" dường như vẫn còn hồi hộp trong từng lời kể. Ông không ngại khi tâm sự về những bỡ ngỡ của "lần đầu tiên" này khi không được tập huấn, không được rèn luyện trước đó, nhận lệnh là lên đường ngay.

Ông Trương Đức Anh: Chiến trường là cuộc thử thách bản lĩnh nhà báo ảnh 1Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo Trương Đức Anh kể lại các anh Vũ Tạo, Đoàn Tý, Lương Nghĩa Dũng, Hồng Thụ là phóng viên ảnh của Phân xã Quân đội biệt phái sang Thông tấn ở phòng Ảnh thời sự Phân xã Nhiếp ảnh, đã vào ra nhiều mặt trận, trải qua nhiều thử thách gian khổ, nên các anh đã quen với trận mạc. Còn ông, lần đầu vào mặt trận, lại theo bộ đội hành quân đêm ngày, nên gặp không ít khó khăn. Các anh phải hướng dẫn ông từ cách rút dép, buộc võng, đào hầm, cách buộc phao bơi vượt sông.

Và rồi ông cứ thế đi, cứ thế chạy cùng bộ đội. Cũng lạ là dường như ông không có cái cảm giác của sợ hãi. Như khi tác nghiệp ở Ái Tử xong, được du kích dẫn đường, ông cùng đồng nghiệp vượt sông Thạch Hãn vào thị xã Quảng Trị.

Lúc này, thị xã Quảng Trị đã được giải phóng, nhưng bọn ác ôn, điệp ngầm, thám báo không chịu ra hàng, vẫn còn lẩn khuất, bắn tỉa, ném lựu đạn vào nơi ta đóng quân. Chưa kể bom đạn từ máy bay và tàu chiến của địch, vì cay cú thất bại, có thể trút xuống bất cứ lúc nào.

Vì vậy, chiến sự vẫn hết sức ác liệt. Thậm chí, có nhiều lần chết hụt do vượt sông, đạn bắn, bom nổ nhưng giống như những người lính, những phóng viên tác nghiệp trên chiến trường không biết chùn bước.

[Tự hào là người phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng]

Còn hôm nay nhắc lại những kỷ niệm khó quên ấy, nhà báo Trương Đức Anh chỉ gật gù ví von rất giản dị rằng "với tôi, đó là những lần thử thách nghị lực và bản lĩnh của người phóng viên thông tấn và cảm nhận được những khó khăn vất vả, sự hy sinh của những nhà báo Thông tấn đã vào chiến trường trước tôi."

Khắp mặt trận Quảng Trị, bộ đội Việt Nam đã đồng loạt nổ súng tấn công vào các vị trí của địch, chúng hoảng hốt tháo chạy vào phía Nam. Ông cùng các nhà báo bám theo bộ đội.

"Anh Vũ Tạo khuyên tôi chọn lấy một khẩu cạcbin và vài băng đạn, thêm hai quả lựu đạn mỏ vịt để tự vệ (khi cần). Thỉnh thoảng vẫn có tiếng súng nổ lác đác. Đường hành quân theo các chiến sĩ giải phóng vừa mệt, vừa đói, vừa khát, chân mỏi rã rời, ngực tức. Thấy thế, anh Vũ Tạo động viên: "Mệt quá thì hãy nhìn về miền Bắc và nhớ đến Bác Hồ."

Với nhà báo Trương Đức Anh, lời động viên ấy dường như đã theo ông suốt cuộc hành quân gian khổ, cũng như theo ông suốt cuộc đời làm nghề, tận đến hôm nay khi nhắc lại, ông vẫn không thôi xúc động.

Sức mạnh, tinh thần của người phóng viên Thông tấn

Không chỉ có khó khăn, gian khổ, với nhà báo Trương Đức Anh, chiến trường như "thử lửa," chiến trường như tiếp sức, là những bài học quý báu cho chặng đường nghề nghiệp. Ông nhắc đến những niềm vui của năm tháng làm phóng viên tại chiến trường Quảng Trị. Đó là lần ông trở lại để viết về cuộc chiến đấu của quân, dân Quảng Trị bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ Quảng Trị khi địch mở chiến dịch "Tái chiếm Quảng Trị."

Ông Trương Đức Anh: Chiến trường là cuộc thử thách bản lĩnh nhà báo ảnh 2Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP 10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

"Chúng tôi đến Sở Chỉ huy đoàn Quang Sơn (tức đoàn Q, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, một trong những đơn vị bảo vệ Thành Cổ), Chính ủy và Phó Chính ủy Trung đoàn liền lệnh cho Trợ lý Tuyên huấnđiện xuống tất cả các đơn vị, có nhà báo Quân Giải phóng đang ở mặt trận, các đơn vị hãy dũng cảm chiến đấu, đánh mạnh hơn nữa không cho chúng tiến vào Thành Cổ, để các nhà báo viết bài, chụp ảnh để cho các chiến sĩ, cho nhân dân trong và ngoài nước biết," ông kể.

Cũng mạch cảm xúc ấy, ông nhắc lại kỷ niệm về những bài viết của ông "về những trận chiến đấu và những tấm gương của các đơn vị, các chiến sỹ đã anh dũng bảo vệ Thành Quảng Trị" được phát sóng, đồng chí Phó Chính ủy đã điện ngay cho đơn vị thông báo rằng, nhà báo Quân giải phóng đã biểu dương chúng ta, đã biết chúng ta đánh địch như thế nào rồi đấy, các đơn vị khác tiếp tục thi đua và phát huy.

Ông nhắc lại chuyện cũ, bởi chính nơi đây đã giúp ông cảm nhận được hết sự "hãnh diện" của nghề cầm bút. Đúng như điều mà cố Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng từng nói: "Chiến sỹ chiến đấu bằng súng, chúng ta chiến đấu bằng cây bút, máy ảnh..." Hãnh diện hơn nữa là khi nghe Chính ủy của đoàn Quang Sơn động viên: "Một bài báo, một tấm ảnh của các anh bằng hàng trăm viên đạn bắn thẳng vào quân thù."

Chúng tôi có cảm giác rất rõ nét tâm trạng của người trả lời phỏng vấn hôm nay không chỉ bởi câu chuyện của ông đầy cảm xúc, giàu tư liệu mà còn bởi một tinh thần rất "Thông tấn." Ông bảo khi giữa cái sống và cái chết, trong lòng ông luôn suy nghĩ về trách nhiệm của một Đảng viên, của một phóng viên Việt Nam Thông tấn xã. Trước ông, cũng tại chiến trường này, trong những năm chiến tranh, các cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam đã từng ngã xuống vì sự nghiệp Thông tấn.

Nói rồi ông lại hướng câu chuyện đến những người làm báo trẻ. Ông bảo, làm báo bây giờ đâu chỉ có làm tin viết bài phản ánh, phải đấu tranh với cả tin giả, tin như thật mà không phải thật. Thế nên, anh em bây giờ giỏi hơn ngày xưa. Cạnh tranh thông tin, làm tin nhanh, chính xác, cũng mất mát, hy sinh, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Rồi ngay cả thời điểm này, khi bệnh dịch COVID-19 nguy hiểm, người phóng viên vẫn phải trên tuyến đầu tin tức. Điều kiện bây giờ có thể giúp họ nhanh nhẹn hơn xưa nhưng thời nào cũng vậy, phóng viên đều phải lăn vào thực tế. Không lăn vào thực tế, không dấn thân, không đam mê, không thể có tin bài hay được.

Quả thực, một trong những điều rất dễ cảm nhận được về nhà báo Trương Đức Anh đó là ông rất khiếm tốn, lạc quan. Ông bảo: "Gian khổ của mình thấm sao với những gian khổ của các chiến sỹ. Mặc dù, mình cũng khoác áo lính cũng được coi là một người lính trong một đơn vị anh hùng, nhưng mình đã làm được gì đâu."

Để rồi đến hôm nay, dù nghe "một tai còn một tai bị điếc" do chấn thương âm thanh," dù chấn thương sọ não do bị bom vùi, trái gió trở trời lại đau nhưng ông vẫn cho rằng mình đã may mắn hơn khi được trở về.

Nói đến đây, ông không khỏi bùi ngùi nhớ tới các chiến sỹ đã hy sinh để Quảng Trị được giải phóng, là tỉnh đầu tiên của miền Nam thân yêu thoát khỏi sự kìm kẹp của địch, nơi ấy có những người đồng đội, đồng nghiệp của ông đã nằm lại không về!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục