Bà Đỗ Hồng Phấn rưng rưng ngắm những bức ảnh của mình và những người bạn ngày ấy cùng tham gia phong trào học sinh yêu nước của Hà Nội. Bao kỷ niệm chợt ùa về, có những thời khắc sôi nổi, hào hùng, những khó khăn, thử thách, cũng có những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng những thanh niên Hà Nội khi ấy vẫn cùng nhau vượt qua để cổ vũ Cách mạng.
Những năm tháng sôi nổi
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật tái hiện lại phong trào thanh niên yêu nước sôi nổi.
Tôi gặp bà Đỗ Hồng Phấn vào một sáng mùa Xuân se lạnh. Gió thổi qua những hành lang nhà tù hun hút. Bà xúc động chạm tay vào những bức tường đá nhà tù, nơi bà đã từng bị bắt giam khi đang tham gia phong trào học sinh yêu nước.
Bà Đỗ Hồng Phấn sinh năm 1933 là nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thủy lợi (nay là Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), một Đảng viên lão thành có 70 năm tuổi Đảng.
Nhớ về những ngày đầu tham gia phong trào cách mạng, từ cuối năm 1949, đầu năm 1950, khi còn là nữ sinh Trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An (nay là trường phổ thôn trung học Chu Văn An), bà cho biết: “Đó là những ngày tháng sôi nổi nhất cuộc đời tôi. Mới tuổi 16-17, chúng tôi đã tham gia khuấy động các phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến, cổ vũ nhau vượt qua khó khăn, thử thách."
Nhớ về khoảng thời gian này, bà Phấn cho biết, Hà Nội khi đó đang bị thực dân Pháp chiếm đóng. Bà là học sinh trường Chu Văn An nhưng được Thành đoàn phân công làm bí thư chi đoàn học sinh kháng chiến trường Trưng Vương vì trường lúc ấy chỉ có cấp cơ sở, học sinh còn ít tuổi.
Trường Chu Văn An hồi đó chỉ có rất ít nữ sinh nhưng hầu hết được lôi cuốn vào phong trào, tự phân công mỗi người một việc. Hồng Phấn không rõ ai là người lãnh đạo mình, ai là người của cách mạng mà cứ thấy việc là làm. Tất cả cuốn cô đi cùng với sự sôi nổi, nhiệt thành của tuổi trẻ mặc dù trong thâm tâm cô cũng nghĩ, mọi việc hẳn có sự sắp đặt khéo léo của ai đó.
Trong quá trình hoạt động, Hồng Phấn được bồi dưỡng thêm kiến thức về Đảng, về phong trào của giai cấp vô sản… Đến đầu tháng 6/1950, Hồng Phấn nhận được tin cô sẽ được kết nạp vào Đảng. Theo điều lệ thì chưa đủ tuổi, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt ở địch hậu, mười sáu tuổi rưỡi vẫn được kết nạp.
[Nhìn lại tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc]
“Lễ kết nạp được tổ chức trong kho hàng nhà chị Nguyễn Thị Dần, là cơ sở của phụ nữ kháng chiến ở chợ Đồng Xuân. Kho hàng chất đầy các tấm vải kiện, chúng tôi phải lách mình đi giữa các hòm kiện vào sâu bên trong mới có một khoảng trống vài mét vuông, đủ kê một cái bàn nhỏ, vài cái ghế, trên tường có gắn một lá cờ búa liềm to bằng hai bàn tay và một tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ 4x6cm. Hôm đó kết nạp hai người là tôi và bạn Đoàn Thị Thục Anh,” bà Phấn nhớ lại.
Trong giây phút thiêng liêng, Hồng Phấn nghẹn ngào không thể kể xiết niềm vinh dự, tự hào. Trong số những điều được cấp trên dặn dò, cô nhớ nhất lời dặn: “Trong vùng địch hậu, rất có thể lúc nào đó bị địch bắt, tra tấn, nhưng đã là Đảng viên thì kiên quyết giữ vững khí tiết, phải sẵn sàng vượt qua mọi chông gai, thử thách.”
Lời dặn ấy đã theo sát bước đường hoạt động cách mạng của Hồng Phấn sau này.
Gian nan trui rèn ý chí
Đầu năm học 1950-1951, thấy chiến thắng biên giới đang vang dội, chi đoàn Học sinh kháng chiến Trưng Vương của bà Phấn hân hoan đưa ra kế hoạch mừng chiến thắng bằng các hoạt động: Treo lá cờ đỏ sao vàng bằng vải, đốt pháo, rải truyền đơn… vào ngày 7/11/1950. Cuộc chào mừng đã thành công trọn vẹn nhưng hàng loạt học sinh Trưng Vương đã bị bắt ngay tại trường.
“Tôi học bên trường Chu Văn An nên không biết. Tan học, tôi đạp xe đến nhà một ủy viên Ban Chấp hành chi đoàn trường Trưng Vương để hỏi tình hình. Chưa chuyện trò được gì nhiều thì mật thám xuất hiện,” bà nhớ lại.
Họ khám nhà người bạn này, phát hiện mớ vải đỏ và vàng còn nguyên vết cắt sao vàng năm cánh nên bắt cả hai về sở Mật thám. Tại đó, họ bị khám cặp sách và phát hiện có một hộp ảnh chiến thắng biên giới.
“Chúng tát tôi tối tăm mặt mũi. Sau đó, chúng dồn chúng tôi xuống nhà giam,” bà Phấn kể.
Trong nhà giam của sở Mật thám, bà Phấn cũng như nhiều người khác phải trải qua những cuộc tra tấn bằng máy quay điện. Toàn thân bà nảy lên trước những luồng điện giật nhưng bà kiên quyết không khai điều gì. Sẵn có bát ăn cơm, bà đập vỡ ra, cắt mạch máu tay để tự tử.
Khi biết sự việc, lính Pháp đã đưa bà vào nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) để chữa trị. Tại đây, bà Phấn được bố trí nằm phòng riêng, có hai nhân viên canh gác ngày đêm. Mẹ bà Phấn vào cũng chỉ được nói được vài câu thăm hỏi. Sau khi sức khỏe hồi phục chúng chuyển bà vào trại giam nữ, Nhà tù Hỏa Lò.
“Tôi nhớ, trại dài hun hút, ở giữa là lối đi, hai bên là hai dãy bệ ximăng đầy tù nhân. Mọi tù nhân phải nằm sát vào nhau mới đủ chỗ. Cuối dãy, chúng để một thùng đựng nước tiểu. Tất cả mọi người trong dãy ximăng đều đi tiểu ở đó nên rất hôi hám,” bà kể.
Tại đây, bà Hồng Phấn đã nhận được sự chăm sóc tận tình và giúp đỡ của những nữ tù chính trị vì họ biết cô nữ sinh mới vào còn khá non nớt. Nhận được sự chăm sóc của mọi người, bà cảm thấy ấm áp, bớt lo sợ và yên tâm hơn. Đây là những cảm xúc mà bà nhớ mãi.
Sau đó, chúng lại chuyển bà sang buồng biệt giam trước dàn nho. “Trong buồng, chúng tra tấn tù nhân bằng cách thắp đèn cả ngày cả đêm. Thứ ánh sáng này khiến đầu tôi ong ong khốn khổ, hai mắt thì nhức nhối mà không thể ngủ được. Tôi phải đậy cả mớ quần áo lên mắt, mãi mới tạm quen,” bà nói.
Thế rồi một hôm, tên cai ngục người Pháp đi qua buồng giam hỏi bà có biết tiếng Pháp không.
Bà trả lời: “Biết.”
Hắn lại hỏi: “Có muốn đọc truyện không?"
Bà đáp: “Có.”
Thế là ông ta đưa cho bà mấy tờ báo và cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió.” Bà đọc liền một mạch cả ngày lẫn đêm, cũng là nhờ thứ ánh sáng khủng khiếp kia.
Hôm trả sách, gã cai ngục hỏi bà Phấn: “Truyện thế nào?”
“Hay,” bà Phấn trả lời.
“Hay thế nào?” gã hỏi tiếp.
“Thứ nhất, nhân vật chính trong truyện là người phụ nữ can trường đầy bản lĩnh, vượt lên mọi cái thường tình để theo đuổi ước mơ của mình. Thứ hai, chế độ nô lệ ở Mỹ đã tan rã, không sao cứu vớt được thì chế độ nô lệ nào rồi cũng thế,” bà Phấn trả lời dõng dạc, ánh mắt đầy tự tin.
Gã cai ngục bỏ đi. Hôm sau, gã đưa cho bà Phấn ba quyển truyện khác. Bà lại hào hứng mở ra xem, nào ngờ toàn truyện khiêu dâm. Bà vứt trả lại ngay. Và từ đó, không được nhận thêm quyển truyện nào.
Mặc dù bị giam, bà vẫn tìm cách để liên lạc và nghe ngóng tin tức từ bên ngoài thông qua mỗi lần mẹ đến thăm.
“Lúc đó ở nội thành, phong trào học sinh kháng chiến tuy bị khủng bố hết đợt này đến đợt khác nhưng không hề tan vỡ. Nhiều đoàn viên nối tiếp nhau bị đưa vào Sở Mật thám và Hỏa Lò nhưng phong trào vẫn lan rộng khắp các trường,” bà kể lại trong sự xúc động.
Sau hơn 2 tháng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp đã trả tự do cho bà vào ngày 21/1/1951, do bà chưa đủ 18 tuổi. Ngay sau khi được thả, bà đã tìm cách liên lạc và quay trở lại tổ chức Đoàn và được gọi ra vùng tự do kháng chiến. Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, bà trở về với phong trào và trường học Hà Nội.
Nhiều năm đã qua, người nữ sinh năm nào đã gần 90 tuổi nhưng dáng vẻ cương nghị, kiên quyết vẫn còn nguyên vẹn. Người phụ nữ ấy vẫn luôn tự hào bởi cả đời bà đã sống, đã cống hiến tận lực cho Tổ quốc. Bà hy vọng rằng giới trẻ ngày nay sẽ luôn sống hết mình để phát triển đất nước ngày càng phát triển, hội nhập trong tương lai, tiếp tục kế thừa và phát triển sự nghiệp của cha anh đi trước./.