Sau nhiều ngày không có ca mắc COVID-19 mới, vừa qua lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý để các quận, huyện, nếu đủ điều kiện có thể mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo trở lại từ ngày 8/3.
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, nhiều di tích, đền chùa đã mở cửa đón du khách. Tại cổng di tích, nhân viên chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt để đảm bảo an toàn trong ngày mở cửa trở lại.
Trước đó, ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đã ký văn bản gửi ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc Sở, nhằm thực hiện thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thủ đô.
Theo đó, các cơ sở di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố mở cửa hoạt động trở lại (không bao gồm tổ chức lễ hội) nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khai báo y tế-Khoảng cách-Không tụ tập đông người).
Thông báo nêu rõ: “Chủ động xây dựng phương án chi tiết vừa phòng vừa chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo nhu cầu văn hóa tâm linh tại các cơ sở di tích, danh thắng cảnh phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trường hợp nếu du khách đông, không đảm bảo phương án phòng, chống dịch cần tạm thời đóng cửa tới khi các điều kiện được đảm bảo thì mở cửa trở lại.”
Từ sáng sớm, một số nơi thờ tự nổi tiếng của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, tổ đình Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ,… đã mở cửa đón khách vào dâng hương sau một thời gian dài ngừng hoạt động. Theo quan sát, mọi người đều đảm bảo an toàn phòng dịch, đeo khẩu trang khi ra vào chùa.
[Hà Nội: Các di tích mở cửa trở lại, thực hiện nghiêm việc phòng dịch]
Ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cho biết ngày 7/3, Trung tâm đã phun thuốc khử trùng toàn bộ không gian di tích. Việc này đã được duy trì hằng tuần trước đó để bảo đảm các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại, ngay khi có quyết định của cơ quan chủ quản. Trung tâm cũng đã bố trí điểm quét mã QR code để du khách tiện khai báo y tế trước khi tới điểm di tích.
"Công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới du khách cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng việc đặt hàng chục pano tuyên truyền tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy. Trung tâm cũng cho phát băng liên tục nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch," ông Lê Xuân Kiêu nói.
Tại Hoàng thành Thăng Long, các điều kiện phòng, chống dịch cũng đã được hoàn tất vào trước thời điểm mở cửa đón khách trở lại vào sáng 8/3. Hệ thống máy cung cấp dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế... được trang bị ở ngay cổng vào.
Trong khi đó, nhiều di tích vẫn “cửa đóng, then cài” như Nhà tù Hỏa Lò, chùa Bà Nành (phố Văn Miếu), đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, chùa Hà (Cầu Giấy)… Theo đó, người dân thành tâm vẫn bái vọng bên ngoài nơi thờ tự./.