Một góc thành phố Hạ Long và Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm hay còn gọi là Cung cá heo. (Ảnh: TTXVN)
Một góc thành phố Hạ Long và Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm hay còn gọi là Cung cá heo. (Ảnh: TTXVN)

Xây dựng thiết chế văn hóa tại Quảng Ninh: Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư để có những thiết chế văn hóa cấp tỉnh đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa chất lượng cao đồng thời trở thành điểm check-in hấp dẫn đối với du khách.

Khi đến với Quảng Ninh, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan, check-in tại Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ với những ngọn dương khổng lồ hướng thẳng lên trời cao, “hòn ngọc đen” Bảo tàng Quảng Ninh, hay Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh hình cá heo vờn sóng…

Đó là những thiết chế văn hóa đang từng ngày nâng cao chất lượng sống cho người dân đồng thời vẽ lên hình ảnh Quảng Ninh độc đáo, giàu bản sắc trong mắt du khách, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Từ những công trình văn hóa biểu tượng...

Tại nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên bản đồ hình chữ S của đất nước Việt Nam, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ đã trở thành điểm tham quan không thể bỏ lỡ đối với du khách. Với tổng diện tích quy hoạch 16.000m2, nơi đây được mệnh danh là công trình văn hóa lớn nhất trên biên giới đất liền của Việt Nam.

vna_potal_quang_ninh_khach_du_lich_den_thanh_pho_mong_cai_vao_cuoi_tuan_tang_dot_bien_6812856.jpg
Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội thảo Văn hóa năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh đã giới thiệu đầy tự hào rằng công trình ở mũi Sa Vĩ không chỉ có ý nghĩa về chính trị, văn hoá, kinh tế của thành phố Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, mà còn như một cột mốc văn hoá, thể hiện lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, năm 2020, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ đã vinh dự được trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị và nông thôn ASEAN.”

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hạnh còn nhắc tới cụm các công trình văn hóa hiện đại gồm Bảo tàng-Thư viện Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, Quảng trường 30/10… là những thiết chế văn hóa cấp tỉnh đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa chất lượng cao đồng thời trở thành sản phẩm du lịch mới, nơi du khách nhất định phải check-in khi tới Hạ Long, Quảng Ninh.

Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh các thiết chế văn hoá thể thao có quy mô lớn như thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả..., góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hoá-thể thao.

baotangquangninh2.jpg
Không gian trưng bày bên trong Bảo tàng Quảng Ninh (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh đã xã hội hóa các hoạt động văn hóa và xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo đó, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mang tính đẳng cấp quốc tế được đầu tư, như: Công viên Đại Dương của Tập đoàn Sun Group; khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup; Khu du lịch đảo Tuần Châu, Cảng Quốc tế Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, sân golf Ngôi sao Hạ Long... đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

nguyenthihanh.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Song song với cách làm trên, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho hay công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm và tạo được sự đồng thuận, chung sức chung lòng của nhân dân. Vì vậy, số lượng và chất lượng thiết chế được nâng lên, từng bước cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Bên cạnh các thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư và quản lý, các
thiết chế văn hóa, thể thao do các doanh nghiệp, tư nhân xây dựng ngày càng nhiều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân,” ông Ký khẳng định.

... đến chủ trương xã hội hóa nguồn lực

Đánh giá về cách vận dụng nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng Quảng Ninh có những chủ trương, cách làm rất phù hợp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.

vnp_quangninh.jpg
Công viên Sun World Hạ Long nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

“Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quảng Ninh đã tạo đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân,” ông Vinh nói.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng rất nhiều người đều đánh giá cao nỗ lực trong việc xây dựng, khai thác và phát huy các thiết chế văn hoá, thể thao của Quảng Ninh. Điều đó không chỉ làm tốt hơn trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao mà còn lan toả sang các hoạt động kinh tế, xã hội. Những mô hình như thư viện, bảo tàng và nhiều thiết chế khác cho thấy sự năng động, đi đầu trong xây dựng và phát huy các thiết chế văn hoá, thể thao của tỉnh.

buihoaison-nghisy.jpg
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Sơn cho rằng Quảng Ninh đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm.”

Ông Sơn đề xuất tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao; ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa; chủ động mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn tỉnh.

Đóng góp giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho rằng đơn vị sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của bảo tàng, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng đồng thời tiếp tục gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động du lịch văn hóa, tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành, xây dựng các chương trình tour du lịch để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, hiện vật của bảo tàng, thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế.

vna_potal_trung_bay_van_hoa_nha_tran_va_phat_giao_yen_tu_tai_quang_ninh_7104096.jpg
Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

“Chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đề án sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh của bảo tàng, điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan, nhằm đa dạng hóa các nguồn lực, nguồn thu từ các dịch vụ trong hoạt động bảo tàng, góp phần tạo nguồn thu hợp pháp, nâng cao đời sống cho viên chức, người lao động mà vẫn có thể giảm một phần chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cấp hằng năm cho công tác quản lý,” ông Tiến nói.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, từ những chủ trương đến cách làm đúng đắn và phù hợp, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.

Cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu liên hợp Thể thao, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật. Quảng Ninh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa, thể thao và thư viện. Cấp xã có 71/177 nhà văn hóa cấp xã, phường. Các xã, phường còn lại đều tận dụng hội trường Ủy ban Nhân dân xã để tổ chức hoạt động./.

baotangquangninh.jpg
Điểm nhấn của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là thiết kế than nguyên khối lớn, công trình thu hút du khách bởi vẻ ngoài bề thế, tráng lệ với đặc trưng vùng mỏ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục